Bài báo khoa học mang tên “On exposing Kubernetes service: Container networking through the OSPF protocol” của nhóm tác giả: Lê Ngọc Lâm, Hà Long Quyền, Triệu Tuấn Anh đến từ TT Nghiên cứu Công nghệ chuyển mạch - Khối 2.
Song hành cùng lịch sử phát triển hạ tầng CNTT, việc phát triển phần mềm trên nền tảng Cloud Native là xu thế tất yếu vì khả năng triển khai linh hoạt, tiết kiệm tài nguyên, nhất là với hệ thống máy chủ lớn như 5G Core.
Tuy nhiên, khi đưa phần mềm lên đây sẽ phụ thuộc vào công nghệ của các nhà cung cấp Cổng giao tiếp mạng Container (Container Network Interface - CNI).
Do vấn đề triển khai hệ thống 5G Core trên mạng lưới Viettel yêu cầu tính năng phải lưu vết bản tin của thuê bao di động giữa các nút mạng để tìm phân tích tìm lỗi nghiệp vụ, nếu sử dụng CNIs hiện có sẽ không đảm bảo được địa chỉ IP các gói tin cùng xuất phát từ 1 nút mạng là duy nhất, dẫn tới gây nhiễu, rối trong việc xác định lỗi từ nút mạng nào.
Hơn nữa, việc giao tiếp của nút mạng bằng gói tin TCP/IP có địa chỉ IP không nằm trong danh sách quy hoạch (whitelist) sẽ bị chặn bởi tường lửa trong hệ thống mạng lưới Viettel, dẫn tới các nút mạng không thể giao tiếp với nhau để phục vụ phiên làm việc của thuê bao di động.
Các bài toán này sẽ được giải quyết nếu mua phần mềm thương mại từ đối tác, nhưng điều này gây lãng phí lớn tới ngân sách của Tập đoàn.
Bài báo được xây dựng trên ý tưởng giải pháp trong vòng 2 tháng, thực nghiệm, đánh giá kết quả 1 tháng. Thời gian tới mốc nghiệm thu đề tài 5G Core cận kề, nhóm tác giả nhiều ngày ở lại quá giờ tiến hành thực nghiệm, đánh giá vấn đề, tuy nhiên chưa đạt được yêu cầu hiệu năng. Sau khi khảo sát từ các hệ thống đã triển khai rồi fix bug, sau đó thực hiện ép tải lên hệ thống. Kết quả cải thiện hiệu năng và đem lại hiệu suất vượt mong đợi, nhỉnh hơn CNI của các vendor trên thị trường.
Đây là bài báo đầu tay của Lê Ngọc Lâm cùng nhóm tác giả. Bài báo được các đồng nghiệp đánh giá cao về tính thực tiễn. Cùng sự góp ý đến từ đồng nghiệp về việc cần chỉnh sửa, làm rõ phần so sánh, nhóm tác giả đã điều chỉnh, hoàn thiện hơn về nội dung bài viết. Khi nộp chính thức, bài báo được Hội nghị chấp nhận mà không có yêu cầu sửa đổi nào từ hội đồng đánh giá.
Sau khi trình bày trong hội nghị tại Indonesia, hội đồng đánh giá kết quả nghiên cứu bài viết tốt và cho rằng cần được giới thiệu rộng rãi. Ngoài ra, hội đồng cũng đặt ra câu hỏi cho nhóm tác giả rằng, các yếu tố nào giúp giải pháp này có thể đánh bại các CNI được cung cấp trên thị trường. Thay mặt nhóm tác giả, Lê Ngọc Lâm trả lời, đó là các yếu tố miễn phí, dễ dàng cài đặt và đáp ứng hiệu năng cao.
Hội nghị truyền thông Châu Á - Thái Bình Dương 2024 (2024 IEEE 29th Asia Pacific Conference on Communication) là diễn đàn tập trung vào lĩnh vực truyền thông và công nghệ thông tin hàng đầu của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Với tuổi đời lâu, đây là diễn đàn uy tín quy tụ nhiều chuyên gia, kỹ sư đầu ngành. Tại lần tổ chức thứ 29, hội nghị nhận được 301 bài báo từ 18 quốc gia, trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn độ là các nước có nhiều tác giả tham gia nhất. Sau quá trình thẩm định nghiêm ngặt, 119 bài báo được chấp nhận và 105 bài báo đăng ký công bố tại hội nghị.
Tại Hội nghị APCC 2024, các chuyên gia, các nhà khoa học đã thảo luận về sự kết hợp giữa điện toán biên và trí tuệ nhân tạo, các vấn đề thành công và thất bại của 5G, sự tiến hoá công nghệ truyền thông di động cho 5G và hướng tới 6G, các kỹ thuật MIMO, chia sẻ tài nguyên tần số giữa 4G-5G, ăng ten tái cấu hình và công nghệ blockchain. APCC 2024 gồm có 5 bài phát biểu quan trọng và 1 phiên thảo luận chuyên đề.