Hệ thống VQ khẳng định trí tuệ của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam
Đây là khẳng định của Thượng tá Lưu Hồ Anh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý Dự án VQ2, Quân chủng Phòng không – Không quân khi nhắc đến hệ thống VQ do TCT VHT nghiên cứu, sản xuất trong Phóng sự phát sóng vào Bản tin Thời sự 19h ngày 5-10-2024.
Phóng sự phát sóng trong Bản tin Thời sự 19h ngày 5-10-2024 trên VTV1
Trong suốt chặng đường 80 năm qua, quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng nỗ lực sáng chế, làm chủ trang thiết bị khí tài để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Những năm gần đây trước sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đột phá nghiên cứu sáng chế để tự chủ về công nghiệp quốc phòng, đáp ứng nhanh chóng kịp thời nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới lại càng là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Phóng sự sau đây là công nghệ được coi là đột phá, là niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam trong lĩnh vực cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia.
Tại Sở chỉ huy Sư đoàn 361 Quân chủng Phòng không Không quân.….Kẻng báo động vang lên….
Ngay lập tức, các đài trạm mở máy tăng cường quản lý phương tiện bay lạ, các đơn vị hoả lực được báo động, sẵn sàng vào vị trí tiêu diệt mục tiêu khi có lệnh. Bài huấn luyện này cho thấy mọi tình huống trên không được quản lý đầy đủ, chính xác và gần như là tức thời tới tất cả các cấp. Đó là nhờ vào một công nghệ do chính quân đội Việt Nam phát triển, hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia VQ.
Với hệ thống VQ, có thể quan sát thấy bức tranh toàn cảnh trên không của Việt Nam: Hiện mật độ các chuyến bay trên vùng trời nước ta khoảng 4000 – 5000 chuyến bay mỗi ngày. Ngoài ra, còn có các chuyến bay không nằm trong kế hoạch và dự báo bay của không quân các nước, nhất là chuyến bay trên khu vực biển Đông hoặc là vùng trời tiếp giáp. Hệ thống VQ không chỉ là cho phép chúng ta quan sát và quản lý tất cả phương tiện bay trên vùng trời Việt Nam mà còn hỗ trợ đắc lực người chỉ huy điều hành tác chiến tức thời.
Trung tá Trần Văn Ảnh, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không Không quân chia sẻ rằng: "Hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, tính tự động hoá rất cao, có thể cùng lúc xử lý 300 tình báo trong 5 giây, tính toán trường radar và khu vực hoả lực để giúp người chỉ huy nghiên cứu, đánh giá chiến đấu một cách hiệu quả".
VQ được Quân chủng PK-KQ phối hợp với Tập đoàn Viettel phát triển. Đến nay, trên thế giới chỉ có khoảng 10 quốc gia tự chủ, phát triển hệ thống này.
Trung tá Lê Trần Sự, Giám đốc TT Chỉ huy điều khiển, TCT VHT cho biết: "Tại thời điểm nhận nhiệm vụ, chúng tôi hầu như chưa có kinh nghiệm phát triển những hệ thống như này. Tri thức học hỏi từ các đối tác gần như chỉ là những khái lược là làm cái gì thôi, người ta hướng đến bán toàn bộ sản phẩm, phải phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác. Từ đó, chúng tôi quyết tâm tự nỗ lực tìm hiểu. Trong suốt 1 năm, chúng tôi ra được một sản phẩm đầu và mọi người đều ngỡ ngàng, không thể tin chúng tôi đã làm được. Rất là tự hào".
Thượng tá Lưu Hồ Anh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý Dự án VQ2, Quân chủng Phòng không – Không quân nhận định rằng: "Hệ thống VQ là cái đột phá về tư duy sử dụng lực lượng trong điều hành tác chiến, khẳng định trí tuệ của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam".
VQ cùng với rất nhiều công nghệ khác do chính những người lính bộ đội Cụ Hồ sáng chế đánh dấu bước phát triển của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam, nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu, không để Tổ quốc bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.