Hội nghị quốc tế về các Công nghệ Truyền thông tiên tiến 2024 (International Conference on Advanced Technologies for Communications - ATC 2024) đã nhận được 307 bài báo từ 24 quốc gia, trong đó Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines là những nước có nhiều tác giả tham gia nhất. Sau quá trình thẩm định nghiêm ngặt, 176 bài báo chất lượng cao của 682 tác giả đã được chọn để trình bày tại hội nghị. Trong đó, TCT VHT góp mặt với 4 bài báo.
2 bài báo khoa học của các kỹ sư TT Nghiên cứu Thiết bị Vô tuyến băng rộng có nhan đề “Performance enhancement for the FPGA – based IEEE 1588 synchronization system on a 5G Radio Unit under high network load” và “Hardware Implementation for O-RAN Block Floating Point Compression and Decompression Methods in 5G Base Station” xuất phát từ thực tiễn nhu cầu trong quá trình nghiên cứu sản phẩm của TCT VHT, cụ thể là tối ưu, xử lý sản phẩm RU.
Bài báo về “Hardware Implementation for O-RAN Block Floating Point Compression and Decompression Methods in 5G Base Station” của nhóm tác giả Dương Minh Thắng, Võ Thành Văn và các giảng viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng; kỹ sư Võ Thành Văn trình bày tại Hội nghị. Bài báo có nội dung về xử lý nén/giải nén dữ liệu trên RU, mục tiêu là tối ưu băng thông mà vẫn truyền được nhiều dữ liệu.
Trong khi đó, bài báo về “Performance enhancement for the FPGA – based IEEE 1588 synchronization system on a 5G Radio Unit under high network load” của nhóm tác giả Trần Minh Hiếu, Võ Thành Văn, Dương Minh Thắng, Phan Tất Quyết cùng giảng viên trường Đại học Khoa học công nghệ quốc gia Đài Loan, Đại học Đà Nẵng . Bài báo hướng đến nội dung tăng cường chất lượng đồng bộ 1588 trong trường hợp cao tải, từ đó giúp cho RU hoạt động ổn định. Trên thế giới, tại thời điểm đó, chưa một nhà sản xuất nào khắc phục được vấn đề này.
Một bài báo khoa học khác đến từ TT Nghiên cứu thiết bị Vô tuyến băng rộng là "Improving RAN protocol Software Performance in 5G gNodeB Distributed Unit by Optimizing Packet Storage, Release, Segmentation, and Concatenation Handling"của nhóm tác giả Hoàng Trung Hiếu, Bùi Việt Hùng, Phạm Kim Anh Dũng; kỹ sư Hoàng Trung Hiếu trình bày tại hội nghị. Bài báo đề cập đến giải pháp tối ưu hiệu năng nghiệp vụ xử lý gói tin 5G tốc độ cao nhờ ứng dụng các kỹ thuật về tối ưu quản lý, truy cập bộ nhớ, offload của CPU phần cứng BBU gNodeB.
Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực viễn thông, TCT VHT còn có bài báo "Adaptive Hybrid Beamforming in Millimeter Wave MIMO System" được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác và thực tập của cựu SV Đại học Bách khoa Hà Nội tại TT Nghiên cứu Thiết bị Vô tuyến băng rộng với kỹ sư Đỗ Trọng Toàn.
Bài báo “ Design and Analysis of a Wideband four-way waveguide power combiner for High-Power Applications in C-Band” của nhóm tác giả Nguyễn Duy Phong, Tần Lê Hoàng Long, Hồ Hải Quân, Nguyễn Thái Bình – TT Tác chiến điện tử. Ý tưởng bài báo hình thành từ nhu cầu cải thiện các tham số điện như hệ số phản xạ, cách ly và truyền dẫn trên dải tần rộng, khi các công nghệ hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu này. Đồng thời, các công nghệ thiết kế trước đây gặp khó khăn trong quá trình chế tạo, dẫn đến sai lệch giữa thiết kế và kết quả đo kiểm. Bài báo giới thiệu công nghệ thiết kế bộ cộng công suất lớn với hệ số cách ly cao giữa các cổng, cùng với phương pháp mô phỏng nhằm xác định ngưỡng công suất chịu đựng tối đa, góp phần đánh giá độ tin cậy và khả năng vận hành của hệ thống công suất cao.
Tại Hội nghị ATC 2024, các chuyên gia, các nhà khoa học đã thảo luận về sự kết hợp đột phá giữa trí tuệ nhân tạo, mạng 6G và công nghệ bán dẫn. ATC 2024 gồm có ba bài phát biểu quan trọng, 15 phiên thảo luận chuyên đề và 3 phiên trình bày poster.
Đây là một trong các hội nghị khoa học quốc tế có uy tín tại Việt Nam, được Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam (REV) và IE ComSoc đồng tổ chức hằng năm (từ năm 2008 đến nay) và Học Viện Công nghệ Bưu Chính Viễn thông (PTIT) là đơn vị đăng cai ATC năm 2024.