Trong phần mở đầu buổi tọa đàm, trước câu hỏi: "Bối cảnh khó khăn, làm thế nào để Viettel duy trì tăng trưởng và vị thế dẫn đầu thị trường? Làm thế nào để đạt tốp 10 công ty viễn thông lớn nhất thế giới?". Trước câu hỏi đó, Chủ tịch Tào Đức Thắng đề cập đến những thách thức và cũng lấy dẫn chứng từ chính VHT rằng, trong năm 2022 VHT dù đối mặt với nhiều khó khăng nhưng đã tận dụng mọi cơ hội phát triển.
Chủ tịch Tào Đức Thắng nhấn mạnh: "Khối công nghiệp công nghệ cao chúng ta có 2 lĩnh vực. Với Quốc phòng, chúng ta cũng nhìn thấy nhiều sản phẩm năm 2023 là cơ hội. Đặc biệt, cuộc chiến tranh Ukraina-Nga có khó khăn nhưng cũng nhiều cơ hội. Nói như đồng chí TGĐ Vũ Hà của VHT, năm 2022 mặc dù nhiều nơi khó khăn vì cuộc chiến gây ra nhưng VHT có nhiều cơ hội, nhiều sản phẩm và Bộ Quốc phòng đặt hàng nhiều hơn. Về viễn thông cũng nhiều sản phẩm chín muồi. Ví dụ như hệ thống IMS, hệ thống VOCS của khối viễn thông chúng ta cũng chín muồi và cung cấp ra thị trường. Đó là khối công nghiệp công nghệ cao, chúng ta có nhiều cơ hội".
Trước câu hỏi "Trong 3-5 năm tới, Tập đoàn phát triển ngành nào là ngành mũi nhọn?" Chủ tịch kiêm TGĐ Tào Đức Thắng chỉ rõ, các mũi nhọn trọng tâm đến 2025, tầm nhìn 2030 là bên cạnh viễn thông trong nước và nước ngoài, năng lượng mới, những lĩnh vực tiên phong xây dựng kiến tạo xã hội số thì còn có công nghiệp công nghệ cao.
"Công nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng đắn của thế hệ các lãnh đạo Tập đoàn để lại. Đối với lĩnh vực quân sự, hiện nay, chúng ta được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng rất tin tưởng. Nhiều sản phẩm của chúng ta đã cung cấp và chất lượng tốt, được đánh giá cao trong quân đội. Với sản phẩm dân sự, nếu giao VHT thiết lập mạng 4G từ thiết bị đầu cuối, truyền dẫn đến tổng đài thì hoàn toàn "Made in Viettel". Nói như vậy, chúng ta làm chủ hoàn toàn về dân sự", Chủ tịch Tào Đức Thắng chia sẻ.