Tác chiến điện tử
Đâu là bí kíp sở hữu nhiều bằng sáng chế của Trung tâm Thông tin và Tác chiến điện tử?
Trà My Lv.1
Ngày hôm nay, Trung tâm Thông tin và Tác chiến điện tử (TTTT&TCĐT) được nhắc đến với những bảo hộ trong nước và thậm chí tại Mỹ về các công nghệ về ăngten dải rộng hay thành công với đăng ký sáng chế về phát hiện xung radar trong băng rộng,… Từ đầu năm 2022 đến nay, TTTT&TCĐT là đơn vị sở hữu bằng sáng chế được bảo hộ trong nước nhiều nhất. Nhưng ít ai biết, trước đó, đã có giai đoạn, TTTT&TCĐT cũng nhiều lần phải chỉnh sửa nội dung đăng ký bảo hộ, thậm chí bị từ chối bảo hộ sáng chế.

z3733773058735_57dca1469d404ee31408d4d2b3cd1508

Sáng chế được bảo hộ-cơ sở gia tăng niềm tin của khách hàng

Với mục tiêu “công nghệ tiên phòng – đồng hành thế giới”, các kỹ sư của TTTT&TCĐT nhận thức rằng, việc tự nghiên cứu, làm chủ thiết kế hệ thống, công nghệ lõi và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) sẽ giúp đơn vị nâng cao năng lực cạnh tranh về mặt khoa học công nghệ, luôn chủ động trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, ít bị bất ngờ với các yếu tố bất định ảnh hưởng từ thị trường, cũng như phụ thuộc vào các đối tác bên ngoài. Do đó, TTTT&TCĐT đã nghiên cứu, phát triển và đăng ký bảo hộ trong nước và tại Mỹ các công nghệ về ăngten dải rộng như anten hai phân cực dải rộng với cấu trúc tiếp điện tích hợp bộ biến đổi cân bằng, anten mảng phân cực kép dải rộng sử dụng kỹ thuật tiếp điện trực giao, anten băng tần siêu rộng chế tạo bởi công nghệ mạch in dẻo…

Bằng việc làm chủ và bảo hộ sở hữu trí tuệ với các công nghệ anten này, Trung tâm TT&TCĐT có thể chủ động phát triển, tùy biến các loại anten khác nhau cho mọi dòng sản phẩm máy thông tin và tác chiến điện tử dải rộng thay vì việc hầu hết phải mua sắm, đặt thiết kế anten từ các đối tác nước ngoài với giá thành cao và thời gian nhận hàng dài như trước đây.

Theo TTTT&TCĐT, bảo hộ quyền SHTT cũng là yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt khi các sản phẩm máy thông tin và TCĐT của VHT xuất khẩu ra thị trường thế giới, phải tham gia các bài thầu quốc tế và cạnh tranh quyết liệt với các công ty hàng đầu thế giới trong ngành.

Thực tế cho thấy rằng, với các công nghệ của Trung tâm TT&TCĐT đã được đăng ký sáng chế về phát hiện xung radar trong băng rộng, truyền tin băng rộng thích nghi tốc độ cao, anten dải rộng, anten mảng phân cực kép dải rộng … được tích hợp vào các sản phẩm hệ thống trinh sát thông minh V-ELINT18, các máy thông tin tiên tiến như VRP712/S, WBHF… đã khiến khách hàng Bộ Quốc phòng tin tưởng, đánh giá cao bởi sản phẩm hoàn toàn có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm hiện đại nhất của nước ngoài. Chia sẻ thêm điều này, đại diện TTTT&TCĐT cho biết, khi các sáng chế công nghệ được công nhận có thể xem như thước đo về năng lực khoa học và mức độ sáng tạo của một tổ chức. Các bằng sáng chế của TTTT&TTĐT được đánh giá và bảo hộ bởi các tổ chức độc lập có uy tín như Cục SHTT và USPTO (Mỹ) là minh chứng cụ thể về khả năng làm chủ công nghệ, năng lực nghiên cứu của đơn vị; tạo niềm tin cho khách hàng về VHT.

Nhóm chuyên môn nòng cốt nghiên cứu, phát triển các công nghệ, đăng ký và bảo hộ các sáng chế

phonglabtcdt

Phòng lab TTTT&TCĐT

Xác định nghiên cứu, phát triển làm chủ các công nghệ lõi cùng với việc đăng ký bảo hộ sáng chế, SHTT có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm của đơn vị; vì vậy, công tác sáng chế, đăng ký bảo hộ SHTT đã được Trung tâm TT&TCĐT chú trọng từ sớm.

Ngay từ những năm 2016-2017, Ban lãnh đạo Viện TT & TCĐT (nay là Trung tâm TT&TCĐT – Khối 1) thời kỳ đó là các đồng chí (đ/c) Đào Vũ Kiên (nay là Phó TGĐ TCT VHT), Nguyễn Cương Hoàng (nay là Phó TGĐ TCT VHT), Nguyễn Mạnh Linh (nay là GĐ Trung tâm TT&TCĐT – Khối 1) đã quán triệt vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ đến toàn thể đội ngũ kỹ sư của đơn vị. Ban lãnh đạo cũng có các chủ trương nội bộ về khen thưởng, biểu dương, động viên đột xuất đối với các cá nhân hoàn thành xuất sắc công tác đăng ký và bảo hộ các sáng chế của đơn vị… Các định hướng, chủ trương đó vẫn tiếp tục được duy trì xuyên suốt bởi các thế hệ chỉ huy đơn vị cho đến hiện nay.

Hiện nay, Trung tâm TT&TCĐT xây dựng mô hình tổ chức bên cạnh các nhóm đề tài, dự án, còn tổ chức các nhóm chuyên môn sâu trong nhiều lĩnh vực như cơ khí, cao tần, anten, xử lý tín hiệu… và nhóm nghiên cứu công nghệ mới nhằm đón đầu các xu hướng công nghệ, sản phẩm mới của ngành TT&TCĐT trong phạm vi 3-5 năm tới. Các nhóm chuyên môn này là nòng cốt nghiên cứu, phát triển các công nghệ, đăng ký và bảo hộ các sáng chế trong nhiều lĩnh vực của đơn vị. Hàng năm, BGĐ Trung tâm đều cùng với các nhóm chuyên môn xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong năm của từng nhóm, cũng như xây dựng kế hoạch triển khai nghiên cứu các công nghệ và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với từng nội dung cho từng nhóm.

Đơn vị cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn nội bộ sâu về từng lĩnh vực, vừa góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ của của lực lượng kế cận, vừa truyền thông và lan tỏa tinh thần nghiên cứu, làm chủ công nghệ và đăng ký bảo hộ SHTT cho các thế hệ kỹ sư tiếp theo để tiếp tục tham gia tích cực vào hoạt động này.

Không phụ thuộc vào công ty luật

Để sáng chế được thẩm định và bảo hộ thành công nhanh chóng, đại diện TT cũng chia sẻ, đối với hoạt động bảo hộ SHTT, bên cạnh cái gốc là tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng của công nghệ được trình bày trong sáng chế, thì cách thức trình bày yêu cầu bảo hộ và đăng ký sáng chế cũng là yếu tố phải chú trọng. Anh Hà nhớ lại, trong giai đoạn đầu, hoạt động đăng ký bảo hộ SHTT của Trung tâm TT&TCĐT từng gặp những khó khăn nhất định do đội ngũ kỹ sư thiếu kinh nghiệm trong hoạt động sáng chế, chưa biết cách sử dụng các công cụ tra cứu liên quan đến hoạt động SHTT, chưa biết cách trình bày để bảo hộ tài sản trí tuệ của mình. Một số nội dung đăng ký bảo hộ do cách viết thiếu đầy đủ, thiếu rõ ràng và dựa nhiều vào công ty Luật để hiệu chỉnh nội dung nên đã phải chỉnh sửa nhiều lần, thời gian thẩm định sáng chế kéo dài hoặc thậm chí không thành công (bị từ chối bảo hộ).

Khắc phục điều đó, những đồng chí tại Trung tâm có kinh nghiệm đăng ký bảo hộ sáng chế thành công trong nước và quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm của mình tới các đồng chí khác để các đơn đăng ký đạt được kết quả tốt nhất, đồng thời, tiết kiệm thời gian khi thực hiện quá trình đăng ký bảo hộ SHTT. Các anh em chỉ bảo nhau từ cách sử dụng các công cụ tra cứu SHTT đến cách viết, cách trình bày, cách phúc đáp kết quả thẩm định sáng chế từ thẩm định viên... Ngoài ra, thay vì dựa nhiều vào công ty Luật, đội ngũ kỹ sư thực hiện sáng chế phải xác định rõ chính mình phải chủ động viết, hiệu chỉnh các nội dung yêu cầu bảo hộ, bảo đảm diễn đạt đầy đủ, rõ ràng, chuẩn ý nhất trong đăng ký sáng chế. Điều này là vô cùng cần thiết bởi chỉ có người làm trực tiếp mới hiểu đúng và chính xác về kỹ thuật, công nghệ.

Bên cạnh đó, các nhóm chuyên môn cũng chủ động tổ chức các buổi hội thảo, họp nhóm nội bộ để cùng thảo luận, phản biện, chia sẻ kinh nghiệm với các nội dung nghiên cứu công nghệ và hoàn thiện các nội dung công nghệ trước khi đăng ký bảo hộ SHTT.

Để có thể đăng ký bảo hộ SHTT thành công thì chúng ta phải trải qua quá trình tự nghiên cứu, tự làm và có hiểu biết sâu sắc về bản chất một công nghệ mới có thể sáng tạo ra những nội dung mới để được đăng ký bảo hộ các sáng chế. Điều này khích lệ đội ngũ anh em kỹ sư luôn không ngừng đào sâu suy nghĩ, tìm tòi đến bản chất của các công nghệ. Bên cạnh đó, với hồ sơ sáng chế và tri thức về công nghệ, chúng ta hoàn toàn tự tin khi làm việc, đàm phán về giá với các công nghệ, sản phẩm mà đối tác chào hàng; cũng như có nhiều lựa chọn về việc tự triển khai nghiên cứu, hay đặt đối tác thiết kế, mua sắm sản phẩm, chuyển giao công nghệ từ đối tác để tối ưu nhất về chi phí.

 

  • 212
  • 0 bình luận
  • 1