Sáng 26/09/2019, cả Việt Nam tỉnh dậy trong bàng hoàng một thực tế: Ứng dụng quan trắc không khí AirVisual xếp Hà nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, còn TP.HCM xếp thứ ba. Những ngày tiếp theo, từ khóa "AQI" (air quality index - chỉ số chất lượng không khí) và "ô nhiễm không khí" leo thang vượt bậc, leo thang vào top trending ở hai thành phố lớn. Ô nhiễm không khí từ lúc đó chính thức trở thành một vấn đề nóng tại Việt Nam. Trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm không khí, người VHT cũng không đứng ngoài. Gần hai năm, đã qua, chúng ta đã có gì?
Nỗi lo lắng của một chuyên gia
"Thực ra, ô nhiễm không khí, đúng theo định nghĩa nguyên thủy của nó, đã tồn tại ngay từ khi loài người tạo ra lửa", chị Lê Thị Bích Thuận, Kỹ sư phân tích nghiệp vụ, Trung tâm Nghiên cứu thiết bị y tế thuộc Khối 3 Tổng Công ty cho biết. "Nhưng hồi đó loài người sống rải rác, lại sống quanh thiên nhiên, nhiều rừng cây, nên những điều này chưa ảnh hưởng trực tiếp. Mãi về sau này, khi người ta nghiên cứu trên xương hóa thạch thì mới phát hiện ra những dấu vết của than, bụi bám vào."
Với đặc thù nghề nghiệp và bản thân cũng là người cực kỳ nhạy cảm với sự sạch sẽ, lại là mẹ của một người con nhỏ, chị Thuận liên tục chủ động tìm hiểu về ô nhiễm không khí và lịch sử của nó. Chị nói:
"Vấn đề ô nhiễm không khí chỉ thực sự trở nên nghiêm trọng và khiến người ta chú ý vào thời kỳ Cách mạng Công nghiệp ở Anh và các nước châu Âu. Vào những năm 1950, tại London có đám sương mù khổng lồ, được kết tụ bởi việc sản xuất than và các nhà máy gần đó. Đám sương đó đã giết chết ít nhất 4.000 người, khiến người ta nhớ tới nó với tên gọi "Ngày Sương mù Chết chóc". Nhưng đấy mới chỉ là những hậu quả nhãn tiền. Cái đáng sợ hơn là những di chứng từ việc hít phải bao nhiêu là hóa chất, thạch tín rồi amiăng chẳng hạn. Những hậu quả như vậy nó truyền từ đời này sang đời khác.
Nhưng mà cũng may vì chính nhờ có đợt sương "cảnh tỉnh" như vậy mà các nước châu Âu mới thiết lập hoàng loạt bộ luật bảo vệ môi trường. Mình mong những số liệu ở Việt Nam cũng là một hồi chuông cảnh báo như vậy".
Đối với một cư dân thành thị, đó là một nhận định khá tích cực. Trên thực tế, vấn đề ô nhiễm ở Hà Nội đã diễn ra và được cảnh báo từ rất lâu. Trong số báo ra ngày 27/07/2005, tức là đúng 16 năm trước, báo Nhân dân đã đưa tin bài "Hà Nội ngày càng bụi". Lúc đó, thông số được báo cáo là 9237,7 tấn bụi/năm. Trong một báo cáo năm 2019, con số đó là 80.000 tấn bụi/năm. Những số liệu, báo cáo này dường như chưa thay đổi rõ ràng được thực trạng bên ngoài. Tiếng chuông cảnh báo vẫn chưa vang dội đủ.
Môi trường ô nhiễm kỷ lục tại Hà Nội
"Ngay cả bây giờ, khi đi chạy ngoài đường, mình cũng đã thấy những hạt bụi li ti bám vào mũi. Thậm chí, khi về nhà mình cũng không dám mở cửa ra, sợ ảnh hưởng đến mẹ già, con nhỏ, vốn là những người dễ bị tổn thương nhất bởi bụi bẩn", chị Thuận chia sẻ.
Khi ô nhiễm gõ cửa
Nỗi lo lắng của chị Thuận nói lên một góc nhìn khác của vấn đề ô nhiễm không khí. Theo một báo cáo năm 2018 của Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Sức khỏe Cộng đồng Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối liên kết tương quan rõ rệt về mức độ ô nhiễm trong nhà bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm ngoài trời. Theo đó, khi đánh giá trên nền trời của Bắc Kinh, nơi có mật độ ô nhiễm tương đương với Hà Nội hay TP.HCM, các nhà nghiên cứu đã cho thấy đến 63% số lượng bụi mịn PM2.5 đến từ không gian bên ngoài. Bên ngoài đã ô nhiễm, trong nhà cũng không thể tránh khỏi việc chịu chung hậu quả.
Các yếu tố ô nhiễm trong nhà có liên quan mật thiết đến ô nhiễm ngoài trời
Việc đóng cửa lại đưa ra một vấn đề rất khác. Khi đóng cửa sổ, không khí trong phòng không được lưu thông, nồng độ khí CO và CO2 sẽ tăng lên. Đối với gia đình có người già hay trẻ nhỏ, việc đóng cửa lâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe hô hấp, hệ tuần hoàn hay các loại nấm mốc gây kích ứng da.
Vậy là người dân các thành phố lớn dường như bị đưa vào thế bí: mở cửa ra ngoài đường cũng ô nhiễm, mà đóng cửa cũng ô nhiễm.
Nếu chỉ là một người dân bình thường, có lẽ chị Thuận đã phải lo lắng hơn nhiều. Và hiện trạng ô nhiễm không khí bên ngoài chắc chắn cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, của một sự thay đổi cụ thể về cả quy hoạch đô thị lẫn chế tài xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian ươm mầm những hy vọng vĩ mô, người VHT không bị động.
Người VHT trong cuộc chiến chống ô nhiễm
Liên tục tiếp xúc với các máy móc đo lường không khí hiện đại, lại có nền tảng thực nghiệm về lọc không khí, chị Thuận và đội đã có những ý tưởng về một sản phẩm mới. Chị cho rằng:
"Điểm còn thiếu ở rất nhiều sản phẩm lọc khí hiện nay đó là nó chỉ có khả năng lọc khí trong phòng chứ chưa xử lý triệt để được các loại khí độc như CO hay CO2. Việc này giải quyết phần nào vấn đề, nhưng nhu cầu khí tươi là nhu cầu thiết yếu, và đội mình muốn tạo ra một sản phẩm đáp ứng điều đó.".
Khí tươi bên ngoài, dù vẫn mang danh "khí tươi", nhưng là khí tươi chưa qua lọc, mang theo tất cả những ô nhiễm của một thành phố thường xuyên có mức AQI màu đỏ vào nhà. Đứng trước một vấn đề sát sườn, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính gia đình mình, chị Thuận nói:
"Phải là khí tươi, và phải có khả năng lọc khí tươi sạch. Như vậy mới bảo đảm sức khỏe cho gia đình.".
Chị Thuận bên cạnh sản phẩm lọc khí - cấp khí tươi độc đáo duy nhất trên thị trường
Từ những trăn trở thực tế này, những kỹ sư VHT đã kiến nghị với Ban Giám đốc về một sản phẩm mới vừa có thể lọc khí, vừa có thể cấp khí tươi. Sau không ít đắn đo, Ban Giám đốc đã chấp thuận cho sản phẩm này ra đời. Ngay cả khi đã có rất nhiều sản phẩm lọc khí trên thị trường, người VHT vẫn không ngần ngại tiến vào cuộc chiến chống ô nhiễm với một sản phẩm mới. Chị tin tưởng:
"Ban Giám đốc rất tin tưởng vào sản phẩm, cho rằng nó có thể thay đổi cách ta suy nghĩ về ô nhiễm không khí trong nhà!".
Sau hai năm nghiên cứu chế tạo, sản phẩm máy lọc khí - cấp khí tươi "made by VHT" ra đời. Đây là mẫu đầu tiên trong dòng sản phẩm máy lọc khí của Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị y tế. Chị Thuận vui vẻ chia sẻ thành quả:
""Em bé" này nhìn nhỏ vậy thôi nhưng mà nhỏ có võ. Vừa lọc được khí, lại vừa cấp được khí tươi. Trên thị trường hiện tại chưa có sản phẩm nào làm được như vậy. Giá cả thì lại vô cùng phải chăng, chất lượng cao câp nhưng giá thì trung cấp thôi!".
Bước vào cuộc chiến chống ô nhiễm với món "vũ khí" độc đáo, chị Thuận tin tưởng:
"Trước hết là yên tâm cho gia đình. Mình dùng cho chính gia đình mình và thấy giấc ngủ, không gian cải thiện rõ rệt hẳn. Ngày nào cũng như sống trên Sapa, Đà Lạt. Nhưng sau đó nữa là vấn đề xã hội. Đây chỉ là một sản phẩm rất nhỏ, nhưng đó là một cố gắng của Viettel nói chung và VHT nói riêng khi quan tâm tới vấn đề hết sức cấp thiết hiện nay.".
"Em nhỏ có võ", vừa lọc được khí, vừa cấp được khí tươi nhà VHT
Chị kết thúc đơn giản:
"Mình chỉ suy nghĩ thế thôi. Nếu ngày nào chúng ta cũng có những đêm ngủ trong lành và thoáng mát, chúng ta mới biết được tầm quan trọng của không khí sạch. Từ đó, chúng ta mới biết không khí ngoài kia có thể đẹp cỡ nào mà ra tay chung sức bảo vệ nó".