Những năm qua, VHT đã có sự phát triển với nhiều tín hiệu đáng mừng khi ngày một nhiều hơn các sáng chế công nghệ “make by VHT” ra đời.
10 tài sản sở hữu trí tuệ được cấp bằng bảo hộ trong nước của VHT từ đầu năm 2022 đến nay bao gồm của các đơn vị: Trung tâm Radar (1 sáng chế), Trung tâm Thông tin và Tác chiến điện tử (4 sáng chế), Trung tâm Vô tuyến băng rộng (2 sáng chế), Trung tâm OCS (2 sáng chế), Trung tâm Chỉ huy điều khiển (1 giải pháp hữu ích). Khi ngày càng nhiều sáng chế ra đời, đây sẽ là vũ khí “sống còn” để VHT tự bảo vệ trước các tranh chấp pháp lý trong quá trình ứng dụng công nghệ.
Với tổng số 4/10 sáng chế, Trung tâm Thông tin và Tác chiến điện tử có số lượng bằng sáng chế nhiều nhất. Theo đánh giá của Trung tâm này, hai trong bốn sáng chế tiêu biểu, có hàm lượng công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả vào sản phẩm đem lại doanh thu lớn là: Ăng ten hai phân cực dải rộng với cấu trúc tiếp điện tích hợp bộ biến đổi cân bằng, nhóm tác giả: Đinh Công Kiên, Nguyễn Hoàng Linh, Nguyễn Tiến Mạnh, Nguyễn Bá Đạt. Sáng chế đã đăng ký và được cấp bằng Sáng chế độc quyền tại Mỹ. Sáng chế tiếp theo là Hệ thống và phương pháp phát hiện và ước lượng tham số tín hiệu xung trong băng thông rộng, nhóm tác giả: Đỗ Văn Lộng, Nguyễn Trần Minh. Công nghệ trong cả 2 sáng chế là công nghệ cốt lõi, có hiệu quả cao, đã ứng dụng thực tiễn vào sản phẩm hệ thống trinh sát thông minh V-ELINT18, tính năng tương đương sản phẩm tiên tiến thế giới (VERA-NG). Sản phẩm V-ELINT18 đang sản xuất loạt dự kiến năm 2022 đem lại doanh thu hơn 1200 tỷ đồng cho TCT.
Năm 2022, Tập đoàn Viettel đặt ra chỉ tiêu cho VHT về đăng ký sở hữu trí tuệ (bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu) là 72 đăng ký. Hiện nay, lũy kế tháng 9, VHT có 27 sáng chế. Ước tính, luỹ kế tháng 10, con số này sẽ lên đến 40 sáng chế và vượt chỉ tiêu đặt ra vào cuối kỳ.
Số lượng bằng sáng chế VHT gia tăng trong thời gian qua một phần đến từ sự quan tâm thích đáng của Tổng Công ty. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong chiến lược sản xuất kinh doanh, VHT có cơ chế khen thưởng dành cho những tác giả có thành tích trong lĩnh vực sáng chế nhằm khích lệ, tạo động lực cho các anh em kỹ sư nghiên cứu khoa học. Theo đó, khi Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký sở hữu trí tuệ là hợp lệ, Tổng Công ty khen thưởng nhóm tác giả 10 triệu đồng. Khi sáng chế được cấp bằng bảo hộ, số tiền khen thưởng lên đến 50 triệu đồng.
Thực tiễn đã cho thấy có vô số cuộc tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ lên đến hàng tỷ đô của các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ như Google, Apple, Samsung, Microsoft,… Sau những cuộc chiến pháp lý và sự trả giá về vi phạm bằng sáng chế, các tập đoàn kinh tế lớn đều đầu tư để sở hữu những bằng sáng chế đắt giá để phục vụ chiến lược kinh doanh.
Chính vì vậy, trong nền kinh tế thị trường và số lượng sáng chế ngày một tăng cao trên thế giới, việc tăng cường bảo hộ bằng sáng chế là vô cùng thiết yếu với VHT, đây là công cụ đắc lực, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho TCT.