Hơn 10 năm đồng hành, hợp tác cùng nhau, những ký ức về con người VHT từ những ngày đầu tiên bắt tay nghiên cứu sản phẩm không phai nhoà với họ. Cũng hơn 10 đó, những người lính PKKQ nhìn nhận, những kỹ sư VHT trưởng thành hơn rất nhiều, và điều đó một lần nữa khẳng định niềm tin của Đảng và Nhà nước dành cho Viettel là đúng đắn.
Đại tá Trần Quốc Việt, Trưởng phòng Phòng Ra đa/Cục Kỹ thuật khẳng định rằng, các sản phẩm radar do VHT nghiên cứu, trang bị cho lực lượng PKKQ đã góp phần góp phần rất đắc lực vào công cuộc thay đổi thế hệ trang bị đài radar của lực lượng phòng không. Thực tế, ngành radar tham gia vào tất cả hoạt động tác chiến của lực lượng PKKQ nên nhu cầu bảo đảm trang bị của ngành rất lớn. Với nhu cầu ấy, nếu chỉ mua thiết bị từ nước ngoài sẽ đặt ra thách thức to lớn về kinh phí cũng như bảo đảm an ninh quốc gia. Vì vậy, Đại tá khẳng định rằng, khi bộ radar đầu tiên được nghiệm thu thành công đã tạo nên những dấu mốc đầu tiên cho nền công nghiệp quốc phòng nói chung và lĩnh vực radar phục vụ sự nghiệp quản lý vùng trời nói riêng.
Trước khi có ngành radar phát triển như hôm nay là sự bắt đầu với hoài nghi về năng lực, rồi đến tháo gỡ nút thắt hai bên, sau đó là thành công bằng sự cộng hưởng của kinh nghiệm từ những người lính phòng không và sự trí tuệ, nền tảng công nghệ cùng nhiệt huyết từ người kỹ sư VHT. Ông vẫn nhớ ngày nghiệm thu bộ radar VRS-2DM đầu tiên. Theo Đại tá, nhiều ý kiến nói rằng đây là 1 tổ hợp radar đơn giản nhưng thực chất đây là tổ hợp cơ điện điều khiển khá phức tạp. Trong suy nghĩ của nhiều lực lượng làm radar, từ các thầy của Viện Kỹ thuật quân sự, các thầy tại Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, các thầy ở Viện Radar hay các thầy Viện Kỹ thuật quân sự PKKQ có rất nhiều nghi ngờ rằng VHT là tân binh, liệu làm ngay một sản phẩm chất lượng như vậy có làm được không? Ông kể chi tiết: “Quá trình nghiệm thu được chuẩn bị rất kỹ lượng từ việc xây dựng tác chiến kỹ thuật, quy trình, phương pháp nghiệm thu đến thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu phê duyệt. Thậm chí, tôi nhớ tổ thường trực sau đó tổ chức đến 3 cuộc hội thảo để giải trình, giải đáp các phản biện của tất cả lực lượng mà hồi đó Bộ Quốc phòng giao xuống tất cả đơn vị làm về kỹ thuật radar trong toàn quân. Sau 1 tuần kiểm tra thực tế cộng bay kiểm tra cũng như giải trình nội dung thì bộ radar đầu tiên được nghiệm thu”.
Đồng hành cùng VHT từ những ngày đầu tiên nghiên cứu hệ thống chỉ huy điều khiển, đồng chí Ngô Thành Dũng, Phó Trưởng ban Ban quản lý dự án VQ2/Bộ Tham mưu nhớ lại, những viên gạch đầu tiên thực sự quá khó khăn. Khi đó, các kỹ sư VHT dù rất giỏi về công nghệ và tuổi đời khá trẻ nhưng kiến thức hay kỹ năng quân sự chưa có nhiều. Vì vậy, Quân chủng PKKQ dành rất nhiều thời gian để hướng dẫn tỉ mỉ, lý giải từng chút một về cơ chế hoạt động của thiết bị, làm thế nào để các kỹ sư trẻ hiểu đài radar lấy tín hiẹu ra sao, làm như thế nào để thực hiện quá trình đó… Cuối cùng, hệ thống chỉ huy điều khiển cũng được thử nghiệm tại nhiều trạm radar từ biên giới đến hải đảo. Tròn 10 năm trôi qua, Đại tá vẫn không quên những ngày cùng kỹ sư VHT triển khai hệ thống CHĐK trên quần đảo Trường Sa năm 2013. “Nhóm do tôi dẫn đi đến đảo Song Tử Tây. Tại đây, người VHT thể hiện quyết tâm vươn xa rõ nét. Triển khai radar trên đảo không hề dễ dàng như đất liền bởi môi trường ở đây vô cùng phức tạp. Ngày về sắp đến nhưng nhóm chúng tôi có 2 đồng chí bị ốm. Lịch bay thì không thể rời lại. Tôi cùng một đồng chí tại VHT đã ngày đêm làm việc liên tục và cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ”.
10 năm cộng tác cùng nhau, QCPKKQ đã có những nhận xét về sự thay đổi của VHT. Đối với Đại tá Dũng, kỹ sư VHT đều chững chạc, lớn lên và để lại trong lòng cán bộ QCPKKQ niềm tin nhất định. Sự trưởng thành của họ khẳng định niềm tin của Đảng và Nhà nước dành cho Viettel là đúng đắn và cũng khẳng định niềm tin của chúng tôi dành cho VHT-những người đã, đang và sẽ tiếp thu khí tài do VHT sản xuất để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Trong khi đó, đồng chí Việt nhìn nhận, 10 năm qua, đại tá Việt cùng đội ngũ tập thể kỹ sư radar VHT đã cùng nhau nghiên cứu khá nhiều sản phẩm. Suốt khoảng thời gian đó, tinh thần cầu thị của những kỹ sư radar VHT là điều khiến ông ấn tượng đặc biệt. Đại tá Việt chia sẻ rằng, không có sản phẩm nào hoàn hảo tuyệt đối, ngay cả với khí tài nước ngoài cũng vậy. Trong quá trình sử dụng, sản phẩm luôn phát sinh bất cập, khiếm khuyết. Vị đại tá cho biết: “Với sản phẩm của VHT, ngay khi thiết bị gặp vấn đề, chỉ cần đơn vị thông báo, VHT ngay lập tức tiếp thu và đưa ra những quan điểm hay lộ trình khắc phục rất rõ ràng, có những lỗi hoặc tính năng thông báo 1 tuần đáp ứng được yêu cầu của đơn vị, có những trường hợp là 1 tháng và cũng có những trường hợp, VHT thẳng thắn nói rằng cần nghiên cứu thêm và chắc chắn khắc phục trong lô tiếp theo. Đến bây giờ, tôi hoàn toàn tin tưởng đội ngũ làm nghiên cứu khoa học của VHT còn tiến xa, đạt được những mục đích định hướng TCT đề ra” .
Từng trải qua công tác tại cơ quan quân chủng, Bộ Tham mưu rồi nay là cơ quan lục quân, Cục trưởng Phòng Không Lục quân ấn tượng đặc biệt với trí tuệ của đội ngũ kỹ sư Viettel trực tiếp làm nhiệm vụ sản xuất, chế tạo trang thiết bị phục vụ quân đội.
Nhắc đến niềm tin, Thiếu tướng Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Phòng không Lục quân đánh giá, những khí tài ngày hôm nay của VHT là minh chứng rõ ràng nhất để chúng tôi thêm tin tưởng cộng tác cùng VHT bảo vệ sự bình yên của vùng trời Tổ quốc. Thiếu tướng nhận đinh, các cuộc chiến gần đây đã cho thấy, quân đội nước nào chủ động nghiên cứu, sản xuất khí tài trang bị cho lực lượng vũ trang sẽ giành thắng lợi. Đột phá trong công nghiệp quốc phòng rất quan trọng và Tập đoàn Viettel là thánh tố vô cùng qua trọng của nền công nghiệp quốc phòng nước nhà hiện nay. Thiếu tướng kỳ vọng, Viettel sẽ phát triển hơn nữa nhằm sẵn sàng cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ông cũng đề xuất một số phương án để sản phẩm VHT sẽ ngày đáp ứng nhu cầu cao của đơn vị sử dụng, đó là chú trọng vào khâu giao đề bài sản phẩm.