Ở tuổi 25, Vũ Thị Anh, kỹ sư ăng-ten, Trung tâm Nghiên cứu thiết bị vô tuyến băng rộng, TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) đã có 3 sáng chế được cấp Công báo sở hữu công nghiệp sáng chế độc quyền tại Việt Nam và 1 trong số đó được cấp Công báo tương tự tại Mỹ. Cùng với đó, cô cũng có rất nhiều bài báo trên các báo khoa học uy tín hàng đầu thế giới.
Ngay từ năm 23 tuổi, Vũ Thị Anh đã được giao làm chủ đề tài tối ưu hệ thống ăng-ten cho các trạm BTS 5G của Viettel. Và cũng chính đề tài này đã giúp cô có được sáng chế “Ăng-ten băng rộng phân cực kép hình đồng hồ cát cho trạm phát sóng 3G/4G/5G” đang được công báo tại của Mỹ và Việt Nam.
Bài toán ở mọi dải tần số, ở mọi quốc gia
Mỗi quốc gia đều sở hữu một dải tần số vô tuyến điện hữu hạn phục vụ cho quốc phòng, giao thông,… Với viễn thông, các dải tần này còn được chia nhỏ theo nhà mạng và công nghệ mạng được sử dụng. Vấn đề đặt ra cho Viettel khi chúng ta kinh doanh 5G, nhất là tại 10 thị trường. Ở mỗi thị trường, ăng ten phải được điều chỉnh theo tần số ở nước đó. Song ăng-ten mà đối tác bán cho Viettel chỉ có 1 tần số duy nhất.
Điều này đặt ra bài toán về mua mới, không thể tái sử dụng, gây tốn kém, lãng phí. Không riêng gì ở thị trường, tại Việt Nam, việc thay thế ăng-ten cho hơn 40.000 trạm BTS trong trường hợp phải điều chỉnh tần số nhiều lần sẽ phát sinh khoản phí không nhỏ.
Đứng trước vấn đề trên, ban lãnh đạo VHT đặt ra mục tiêu phải xây dựng được hệ thống ăng-ten có thể điều chỉnh tần số. Nếu thành công, sáng chế này sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn và là dấu ấn chứng minh Viettel đã làm chủ được những công nghệ chuyên sâu trong sản xuất thiết bị 5G.
Đầu năm 2021, Vũ Thị Anh, cô gái vừa bước sang tuổi 23, đã được "chọn mặt gửi vàng" để dẫn dắt nhóm của mình giải quyết bài toán này.
“Viettel khác xa Viện nghiên cứu”
Trước khi vào Viettel, cô sinh viên Vũ Thị Anh đã có 2 năm làm việc tại Viện nghiên cứu của Đại Học Bách Khoa, đơn vị cộng tác nghiên cứu cùng VHT. Thế nên, cô kỹ sư gần như đã trở thành người Viettel trước khi ra trường 2 năm.
Trong thời gian đó, cô sinh viên tập trung vào tìm hiểu các phương pháp nghiên cứu và các đặc tính công nghệ để tối ưu ăng-ten 5G. 2 năm này giúp cho cô kỹ sư hiểu con người Viettel, cách làm việc tại VHT và các công việc mình sẽ phải đối mặt khi đi làm.
Với kiến thức trong phòng lab, những mô hình ăng-ten cộng hưởng nhiều bước sóng đầu tiên đã được nhóm của Vũ Thị Anh vẽ ra. Nhưng khi áp dụng vào thực tế, các vấn đề lần lượt phát sinh khác với tính toán trên bản vẽ.
Để được đi vào sử dụng, bên cạnh các tiêu chuẩn về tính năng, ăng-ten phải đáp ứng cả về các yêu cầu về cơ khí như khối lượng, khả năng chịu thời tiết, chi phí sản xuất,… Nói đơn giản thì ăng ten mà nhóm của Vũ Thị Anh nghiên cứu không thể đứng một mình. Nó cần tích hợp cả với các cấu phấn khác của trạm.
Khi đó, cô kỹ sư nhận ra: “Viettel khác xa Viện nghiên cứu. Tại các Viện nghiên cứu, mọi người làm nghiên cứu tập trung vào các đặc tính cụ thể, quy mô hẹp, từ đó tìm ra các công nghệ mới. Các kỹ sư Viettel làm nghiên cứu để giải quyết những vấn đề thực tế, tối ưu sản phẩm của Viettel trong quá trình sử dụng, tích hợp nhiều cấu phần khác nhau. Các bằng sáng chế là để bảo vệ sản phẩm trí tuệ, công sức và phương pháp nghiên cứu của các kỹ sư Viettel, tránh bị sao chép bởi đối thủ. Các sáng chế này không phải để đo thành tích hay để đem bán”.
“Cái này không sản xuất được đâu em!”
Với cô kỹ sư Vũ Thị Anh, vấn đề lớn nhất trong quá trình nghiên cứu chính là bài toán cơ khí của ăng-ten.
Viettel có 10 thị trường. Để phổ cập toàn bộ 5G trên toàn bộ các thị trường Viettel đang kinh doanh, số trạm BTS 5G có thể lên đến con số hàng trăm nghìn trạm. Do vậy, chỉ cần chiếc ăng-ten của Anh nặng thêm 100g là chi phí sản xuất sẽ đội lên nhiều lần. Mặt khác, những chiếc ăng-ten này sẽ đặt ở rất nhiều địa hình, trên nhiều quốc gia nên cũng buộc phải chống đảm bảo độ vững chắc trước nhiều loại thời tiết khác nhau.
Sau khi thỏa mãn tất cả các yêu cầu kỹ thuật, bản vẽ ăng-ten của Vũ Thị Anh được gửi cho bộ cơ khí – khâu cuối cùng trước khi hoàn thiện.
Nhưng hầu hết lần đó, cô kỹ sư nhận lại câu trả lời: “Cái này không sản xuất được đâu em!”
Và trước sự từ chối, cô gái trẻ thường phản ứng lại: “Sao không sản xuất được? Thế sao các anh không sửa đi? Các anh phải cố đi chứ?”.
Sau vài giây bốc đồng, cô gái trẻ lại cất đi cái tôi của mình và tìm phương án tối ưu cho sản phẩm. Qua những lần bị từ chối đó, Vũ Thị Anh đã tìm ra những phương pháp tối ưu chiếc ăng-ten của mình. Cô đùa rằng:
“Mỗi phần ăng-ten mà mình giảm đi có thể tiệt kiệm được rất nhiều tiền cho Tập đoàn nhưng phải tối ưu sao cho không ảnh hưởng đến chất lượng và độ bền của ăng-ten”.
8 tháng ròng rã ăn ngủ cùng chiếc ăng-ten, sản phẩm cuối cùng cũng ra lò. Sau khi thử nghiệm, về đặc tính kỹ thuật, ăng-ten của có thể điều chỉnh tần số cộng hưởng theo mong muốn, trên mọi dải tần số 5G mà các thị trường của Viettel đã được cấp.
Không chỉ vậy, chiếc ăng-ten đã nhẹ đi 40% so với thiết kế ban đầu, đây là bước tiến lớn để ăng-ten của Vũ Thị Anh có thể sản xuất hàng loạt. Niềm vui còn lớn hơn nữa khi tháng 12/2021, sản phẩm của cô được cấp Công báo sở hữu công nghiệp sáng chế độc quyền tại Việt Nam. Tháng 1/2023, sản phẩm làm được điều tương tự tại Mỹ, đây là dốc mốc để các sản phẩm của cô xuất hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Sẵn sàng tranh luận để tìm ra vấn đề
Cô kỹ sư Vũ Thị Anh tự nhận mình có các đồng đội tuyệt vời và một môi trường làm việc khuyến khích tranh luận để tìm ra cách giải quyết vấn đề. Đặc trưng của người làm nghiên cứu ở Viettel là nhìn vấn đề đa chiều vì thế họ không bao giờ bác bỏ ý kiến của người khác dù cho nó "điên" đến mức nào. Chính vì thế, mọi vấn đề đều được tranh luận đa chiều, mọi giả thuyết đều được phân tích theo đa hướng.
Vũ Thị Anh nói về phòng mình: “Mình được làm việc cùng toàn thủ khoa đầu ra Đại học Bách Khoa. Các anh hiểu rất sâu và tranh luận rất kỹ ở mọi vấn đề. Thế nên để cãi lại các anh, mình buộc phải tự học hỏi, trau dồi liên tục”.
Mặt khác, chính những cuộc “chiến đấu” không khoan nhượng này đã xóa nhòa khoảng cách giới tính trong công việc. Không có một sự ưu ái nào cho cô em gái nhỏ trong phòng, tất cả cùng hướng tới mục tiêu là sự thành công của sản phẩm. Hòa cùng vào guồng làm việc của phòng, cô kỹ sư cũng dần quên mất rằng phái nữ chỉ chiếm số lẻ so với nam giới trong công việc này. Có lẽ đó chính là chìa khóa cho thành công này của Vũ Thị Anh.