Mô hình mô phỏng
Quá trình phát triển của ngành chỉ huy điều khiển
Quân đội nhân dân Lv.1
Tháng 6-1967, tàu USS Liberty-một tàu nghiên cứu của Hải quân Hoa Kỳ-đã bị các lực lượng của Israel tấn công và gây thiệt hại lớn về người (34 người chết, hàng trăm người bị thương), còn con tàu gần như bị phá hủy.

Thời điểm này đang diễn ra cuộc chiến tranh giữa Israel với Ai Cập, Syria, Jordan, nhưng tại sao Israel lại tấn công tàu USS Liberty trong khi Mỹ là đồng minh thân cận của Israel? Câu trả lời là các lực lượng Israel đã nhầm tàu Liberty với tàu của kẻ thù. Tại sao có sự nhầm lẫn nghiêm trọng như vậy? Quay ngược lại thời gian trước khi cuộc chiến nổ ra, USS Liberty được lệnh thực hiện thu thập thông tin tình báo ở khu vực biển Địa Trung Hải, gần bờ biển phía Bắc của bán đảo Sinai (nằm giữa lục địa Ai Cập và Israel). Khi chiến tranh nổ ra, USS Liberty không nhận được lệnh chỉ huy yêu cầu di chuyển ra khỏi bờ biển của Ai Cập và Israel-nơi đang diễn ra cuộc giao tranh. Có thể thấy, nguyên nhân của thảm kịch trên là do thông tin liên lạc không thông suốt. Ngày nay, nếu triển khai không hiệu quả các hệ thống tự động hóa chỉ huy (C2, C3, C4, C4ISR, C5ISR) có thể đồng nghĩa với thảm kịch lớn hơn.

Sự khác biệt các hệ thống C2, C3, C4, C4ISR, C5ISR

Hệ thống C2, C3, C4, C4ISR, C5ISR là các mô hình của hệ thống tự động hóa chỉ huy đang được triển khai trên thế giới. Để hiểu đầy đủ sự khác biệt, trước tiên phải hiểu được lệnh và điều khiển (Command and Control/C2) là gì. Do C2 là khung cốt lõi của các hệ thống tự động hóa chỉ huy và nếu không có C2 thì sẽ không có các hệ thống C3, C4, C4ISR, C5ISR sau này.

Theo định nghĩa của Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD), C2 là việc thực thi quyền hạn và chỉ đạo của một chỉ huy đối với các lực lượng thuộc quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ, nhằm đạt được một hoặc nhiều mục tiêu đề ra. Hệ thống C2 là sự kết hợp của các công nghệ và thực tiễn để cung cấp và hỗ trợ các quy trình C2 được thực hiện bởi các chỉ huy và các thành viên của LLVT. Trong đó, quy trình C2 gồm 3 lĩnh vực chính: Quản lý thông tin  (Information Management); quản lý quyết định (Decision Management); quản lý thực thi (Execution Management).

2

Hệ thống VQ2 đã được triển khai ở sở chỉ huy các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Ảnh: CHÍ PHAN

Hệ thống C2 khi kết hợp với  hệ thống thông tin liên lạc như vệ tinh và viễn thông sẽ tạo ra hệ thống C3 (Command, Control and Communication). C4ISR, một từ viết tắt thường được sử dụng bởi Bộ Quốc phòng Mỹ, cơ sở công nghiệp quốc phòng (DIB); các cơ quan tình báo Hoa Kỳ; cộng đồng quốc phòng và tình báo Hoa Kỳ, là viết tắt của “chỉ huy, điều khiển, thông tin liên lạc, máy tính (C4); tình báo, giám sát và trinh sát (ISR). 4 chữ “C” của từ viết tắt thể hiện sự mở rộng của khái niệm chỉ huy và điều khiển (C2), thêm 2 chữ “C”, “truyền thông” và “máy tính” để cho thấy việc nâng cấp cơ sở vật chất (hệ thống máy tính, máy chủ) và tích hợp nhiều hệ thống C2, C3 sẽ cấu thành nên hệ thống C4.

Việc bổ sung “ISR”-hoạt động thu thập thông tin tình báo quân sự-khi kết hợp với hệ thống C4 sẽ tạo thành hệ thống C4ISR. Dẫn chứng về hệ thống C4ISR: Một trạm chỉ huy và điều khiển được trang bị hệ thống máy chủ, máy trạm có thể kết nối với các phương tiện mặt đất, máy bay, người lính thông qua hệ thống thông tin liên lạc để thu thập thông tin tình báo, từ đó hỗ trợ cho người chỉ huy trong việc ra quyết định.

Còn C5ISR là viết tắt của “chỉ huy, điều khiển, máy tính, truyền thông, tác chiến không gian mạng” (C5).

Các thế hệ phát triển của hệ thống tự động hóa chỉ huy

Kể từ các cuộc chiến tranh vào thế kỷ 15, 16 cho đến các cuộc chiến tranh hiện đại, người chỉ huy vẫn sử dụng quy trình C2 trong việc thu thập thông tin, ra quyết định và giám sát việc thực hiện của các lực lượng thuộc quyền. Qua các cuộc chiến, hệ thống tự động hóa chỉ huy trải qua 4 giai đoạn (4 thế hệ phát triển).

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai trở về trước (thế hệ thứ nhất), việc thu thập thông tin phục vụ cho người chỉ huy dựa trên cảm biến mặt đất, cảm biến trên máy bay. Các thông tin được truyền về các sở chỉ huy (SCH) qua vô tuyến điện. Căn cứ vào thông tin tình báo thu thập được để người chỉ huy hạ quyết tâm chiến đấu. Giai đoạn này, việc ra quyết định dựa trên kinh nghiệm và ý chí của người chỉ huy, chưa có hệ thống máy tính, công nghệ hỗ trợ.

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh thập niên 1970-1990 (thế hệ thứ hai), khi công nghệ có những bước tiến mới thì việc thu thập thông tin tình báo được mở rộng so với thế hệ thứ nhất với mạng cảm biến phức tạp. Các thông tin tình báo sau khi được thu thập sẽ được truyền về các SCH thông qua mạng máy tính nội bộ, đường truyền vô tuyến hoặc đường truyền tương tự. Tại các SCH được triển khai hệ thống máy tính với phần mềm xử lý thông tin để hỗ trợ cho người chỉ huy trong việc ra quyết định và truyền thông tin chỉ huy giữa SCH cấp trên với SCH cấp dưới.

Từ thập niên 1990 đến năm 2016 (thế hệ thứ ba), giai đoạn cách mạng công nghệ thông tin, hệ thống C4I có sự phát triển vượt bậc về mặt công nghệ thu thập, xử lý thông tin tình báo; nền tảng truyền tin cũng như công nghệ hỗ trợ cho người chỉ huy trong việc chỉ huy điều hành tác chiến. Các sản phẩm đại diện trong giai đoạn này có thể kể đến hệ thống VQ9801 do SAAB (Thụy Điển) sản xuất, hệ thống VQ1-M do Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) sản xuất, triển khai tại Quân chủng Phòng không-Không quân.

Từ năm 2017 đến nay (thế hệ thứ tư), với sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ sensor, bên cạnh việc thu thập thông tin từ các radar quân sự, radar hàng không dân dụng thì việc sử dụng UAV, vệ tinh cũng được quân đội các nước sử dụng để mở rộng nguồn thông tin tình báo. Nền tảng truyền tin được phát triển để tăng tốc độ, tăng tính bảo mật, đa dạng kênh truyền (vô tuyến, hữu tuyến). Đại diện các sản phẩm cho thế hệ này có thể kể đến các hệ thống do Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) sản xuất, tiêu biểu là hệ thống tự động hóa tác chiến điện tử; hệ thống VQ2...

Thế hệ tương lai (thế hệ thứ năm), việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn vào hệ thống C4I sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về tất cả các mặt từ thu thập, xử lý thông tin, đến tính toán chỉ huy điều hành tác chiến và hỗ trợ cho người chỉ huy ra quyết định nhanh, chính xác hơn.

(Theo Quân đội nhân dân)

  • 175
  • 0 bình luận
  • 1