Gương mặt VHT
Ở nơi biến ước mơ thành hiện thực
Nguyễn Hồng Phúc Lv.5
Nghiên cứu phát triển sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ cao (CNC) từng là ước mơ xa vời đối với người Việt Nam. Thế nhưng, với trí tuệ, ý chí đáng khâm phục, các kỹ sư của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) từng bước khẳng định được rằng Người Việt Nam có thể nghiên cứu phát triển sản phẩm CNC.

Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi mà CNC trở thành xu hướng tất yếu trong lĩnh vực quân sự cũng như trong đời sống kinh tế-xã hội. Trung tâm Thông tin và tác chiến điện tử (TT&TCĐT) thuộc Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (VHT) chính là hạt nhân ban đầu thực hiện ước mơ nghiên cứu, phát triển sản phẩm CNC của Viettel.

Từ không thể thành có thể

Đại úy Nguyễn Mạnh Linh, Giám đốc Trung tâm TT&TCĐT vẫn nhớ như in một ngày năm 2008, nhóm 4 kỹ sư là: Nguyễn Vũ Hà (nay là Trung tá, Tổng giám đốc VHT), Nguyễn Mạnh Linh, Nguyễn Thái Bình và Đặng Hữu Tùng được lãnh đạo Viettel lựa chọn, giao nhiệm vụ sản xuất máy thông tin quân sự. Họ là một trong hai nhóm được giao nhiệm vụ. Nhiệm vụ này đối với họ là rất mới, chưa biết bắt đầu từ đâu. Mặc dù trước đó, các kỹ sư trong nhóm đều đã tham gia thiết kế và sản xuất các thiết bị điện tử, có những người từng làm cho các công ty điện tử của Nhật Bản, Hàn Quốc. Thế nhưng tại thời điểm nhận nhiệm vụ thì chưa ai biết máy thông tin quân sự là như thế nào, thậm chí chưa được nhìn ngoài thực tế. Khi được giao nhiệm vụ, họ chỉ được cấp vài mẫu máy cũ của Liên Xô hay của Mỹ từ thời kháng chiến để tự nghiên cứu, mày mò. Cần phải nói thêm rằng, để nghiên cứu, sản xuất ra một thiết bị điện tử dân dụng đã khó, với thiết bị thông tin quân sự thì khó gấp nhiều lần bởi những yêu cầu rất cao về tác chiến, bảo mật.

Rất khẩn trương, cả nhóm xúm vào mổ xẻ mấy chiếc máy mẫu được cấp để nghiên cứu thật kỹ cấu trúc, cấu hình, sơ đồ khối... Để học hỏi, có thêm thông tin, anh em trong nhóm tỏa đi một số nước công nghiệp phát triển trên thế giới. Kết quả sau một thời gian mày mò, đến năm 2010, họ đã chế thử thành công hai chiếc máy thông tin, mỗi chiếc nặng khoảng 12kg, có khả năng nhảy tần 100 lần/giây. Từ tín hiệu khả quan đó, lãnh đạo Viettel quyết định ghép các nhóm đang thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu máy thông tin quân sự lại thành một nhóm 12 người, trong đó có các kỹ sư: Nguyễn Cương Hoàng (nay là Thiếu tá, Phó tổng giám đốc VHT), Đào Vũ Kiên (nay là Đại úy, Phó tổng giám đốc VHT), Vũ Minh Tuấn (nay là Đại úy, Phó giám đốc Trung tâm TT&TCĐT). Viettel báo cáo với Bộ Quốc phòng, xin tạm dừng việc giao cho đơn vị khác đi đàm phán, mua một mẫu thiết bị thông tin quân sự mà nước ngoài đang chào hàng, để giao việc đó lại cho Viettel làm, với cam kết sẽ tự sản xuất ra sản phẩm có tính năng tương đương.

Từ lãnh đạo các cấp cũng như nhóm nghiên cứu đều có những quyết định rất dũng cảm. Bởi vì, để chế thử ra một chiếc máy là chuyện đã khó, đây lại là cạnh tranh được với một sản phẩm của một nước có công nghiệp quân sự rất phát triển. Thời gian cũng không chờ đợi, vì các hợp đồng mua thiết bị quân sự có tính thời điểm, không phải muốn là mua được. Để chạy đua với thời gian, lãnh đạo tập đoàn giao nhiệm vụ cho nhóm: 6 tháng phải có sản phẩm mẫu, một năm là phải hoàn chỉnh sản phẩm tương đương với loại của nước ngoài chào hàng.

“Lúc ấy, anh em đều cảm nhận được sức ép rất lớn. Hằng ngày, nhóm liên tục phải báo cáo tình hình triển khai công việc lên tập đoàn, rồi từ tập đoàn lại báo cáo Bộ Quốc phòng. Điện thoại nhiều lúc nóng ran. Vào giai đoạn khẩn trương, anh em ăn ngủ tại cơ quan, nhiều khi mải mê với công nghệ, thức gần trắng đêm, phải động viên nhau đi ngủ”, Đại úy Nguyễn Mạnh Linh nhớ lại.

Nếu như thời điểm đó, nhóm không cho ra đời được sản phẩm thì sẽ là cú đánh rất nặng vào khát vọng và niềm tin về việc tự nghiên cứu, sản xuất thiết bị thông tin quân sự của Viettel nói riêng, cũng như Việt Nam nói chung, buộc lòng lại phải tiếp tục mua của nước ngoài.

Thế rồi, sau đúng 6 tháng miệt mài nghiên cứu, chế tạo, nhóm đã cho ra đời chiếc máy thông tin quân sự nặng 8kg có tính năng tương đương, thậm chí có những mặt ưu việt hơn so với sản phẩm mà nước ngoài đang chào bán với giá rất cao. Thành quả đáng khích lệ ấy tạo tiền đề để Viettel tiếp tục mạnh dạn đầu tư, thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel vào năm 2011-tiền thân của VHT hiện nay. Cùng với đó, Viettel cũng đầu tư phát triển công nghệ nền tảng SDA rất hiện đại, để từ đó có thể phát triển được nhiều dòng máy theo yêu cầu của khách hàng.

Các máy do Viettel sản xuất ngày càng hiện đại, có thể so sánh với các máy theo tiêu chuẩn của các nước trong khối quân sự NATO. Từ những máy trạm liên lạc để kết nối với cự ly dài tới 2.000km, máy thông tin lắp đặt trên xe tăng, tới chiếc máy chỉ nặng 300g để có thể trang bị cho từng cán bộ, chiến sĩ đặc công. Tất cả các máy đều có tính năng nhảy tần và bảo mật rất cao. Đáng lưu ý là các máy do Viettel sản xuất được tính toán để phù hợp với khí hậu Việt Nam, chịu độ ẩm lên tới 98%, trong khi các thiết bị của NATO chỉ được tính toán để chịu được độ ẩm 95%.

Các kỹ sư của Trung tâm Thông tin và Tác chiến điện tử thuộc Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel thử nghiệm thiết bị thông tin quân sự.

Tuổi đời nhỏ nhưng tuổi nghề lớn 

Đáng chú ý năm 2018, các cơ quan của Bộ Quốc phòng tổ chức một buổi để đối chứng, kiểm nghiệm chất lượng máy thông tin quân sự do Viettel sản xuất và máy do nước ngoài sản xuất. Hai chiếc máy thông tin được lắp trên hai xe tăng, chạy về hai hướng khác nhau. Kết quả cho thấy, máy của Viettel sản xuất liên lạc được xa hơn, chất lượng tốt hơn phiên bản máy mà nước ngoài chào bán. Cùng với đó, tính bảo mật của máy thông tin Viettel cũng lớn hơn khi có độ nhảy tần 500 lần/giây, trong khi máy do nước ngoài sản xuất chỉ là 100 lần/giây. Vì máy do ta sản xuất nên làm chủ được hoàn toàn, ngành cơ yếu cũng dễ dàng can thiệp được vào mã nguồn để bảo mật. Máy này có chế độ xóa dữ liệu từ xa để vô hiệu hóa nếu chẳng may bị rơi vào tay đối phương.

Với một đời người, tuổi lên 9 vẫn chỉ là trẻ con. Thế nhưng, với lĩnh vực nghiên cứu phát triển, với trí tuệ, nhiệt huyết, sự say mê thì 9 năm có thể giúp các cá nhân, tổ chức trưởng thành, đạt nhiều thành tựu. Với Trung tâm TT&TCĐT nói riêng, cũng như cả VHT nói chung thì mỗi năm qua đi, sau mỗi dự án thực hiện họ lại lớn nhanh như Phù Đổng. Từ một nhóm nhỏ ban đầu chỉ khoảng 10 người, nay tổng công ty đã trở thành một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển sản phẩm với cả nghìn chuyên gia, kỹ sư.

Đáng chú ý là các kỹ sư của Trung tâm TT&TCĐT đều còn rất trẻ. Với gương mặt trẻ măng, nhưng Dương Đức Thanh, sinh năm 1989, đã là chủ nhiệm đề tài máy thông tin vô tuyến đa băng tần. Nhóm của Thanh có khoảng 10 người đều trẻ trung, có bạn mới ra trường được vài năm. Thế nhưng nếu xét những gì họ đang làm thì các chuyên gia lão làng cũng phải nể phục. “Chúng tôi lúc nào cũng trong tâm thế làm một cái gì đó mới. Áp lực lớn, nhưng nhờ đó chúng tôi trưởng thành nhanh hơn”, Dương Đức Thanh nói.

Áp lực, sự say mê nghiên cứu khiến nhiều lúc các kỹ sư Viettel không còn thời gian lo cho cuộc sống riêng. Theo Đại úy Đặng Hữu Tùng, Trưởng phòng Công nghệ vô tuyến: “Do đang nghiên cứu các loại máy thế hệ mới nên từ đầu năm tới nay, anh em trong phòng gần như không có thứ bảy, chủ nhật. Mỗi ngày thường ra khỏi nhà vào lúc 7 giờ sáng và về đến nhà là gần 8 giờ tối”. Tùng cho biết, với lĩnh vực nghiên cứu phát triển thì để một sản phẩm thành công, cần phải nghiên cứu 3-4 sản phẩm để đón đầu. “Không phải ai cũng có đủ năng lực, cũng chịu được áp lực công việc tại trung tâm. Ai mà trụ lại được khoảng 2-3 năm thì sau đó sẽ rất “cứng”, Đại úy Đặng Hữu Tùng nói.

Khát vọng chinh phục không ngừng

Công nghệ vô tuyến của Trung tâm TT&TCĐT tương đương với công nghệ hiện đại nhất của thế giới trong lĩnh vực thông tin quân sự. Đã có 22 sáng chế của trung tâm được đăng ký tại Việt Nam và một sáng chế đăng ký tại Mỹ, nhiều bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học nước ngoài.

Trong lĩnh vực quân sự, nước ngoài chỉ bán sản phẩm, không chuyển giao về công nghệ. Thế nhưng chính vì tự tìm hiểu, tự nghiên cứu sản phẩm nên các kỹ sư của Trung tâm TT&TCĐT đã trưởng thành nhanh, nắm rõ được bản chất của công nghệ. “Với mỗi thiết bị thông tin quân sự mới ra đời trên thế giới, chúng tôi chỉ cần biết chỉ tiêu kỹ thuật, biết tính năng của máy thì có thể đoán được công nghệ để sản xuất nó”, Đại úy Đặng Hữu Tùng tự tin vào khả năng của mình và các đồng đội của mình.

Các thế hệ máy mới do Trung tâm TT&TCĐT nghiên cứu phát triển có các tính năng ưu việt, như: Tự tìm đường, tự thiết lập mạng, tự định tuyến, truyền số liệu tốc độ cao (bao gồm SMS, hình ảnh thực tế) để giúp người chỉ huy có bức tranh toàn cảnh về không gian tác chiến và hỗ trợ chiến đấu viên chiến đấu. Cũng nhờ có CNC, hiệu quả mà nhiều máy thông tin do trung tâm nghiên cứu, phát triển đã được các đối tác nước ngoài quan tâm, đặt vấn đề mua. “Có được ngày hôm nay, chúng tôi không thể quên được thời điểm năm 2011. Chỉ cần chúng tôi không làm được thì chúng ta sẽ lại phải mua thiết bị của nước ngoài. Và nếu cứ mua sản phẩm thì mãi mãi chúng ta bị động trong công nghiệp quốc phòng. Nhưng đến nay, nhờ kết quả của việc tự nghiên cứu, phát triển sản phẩm mà với bất cứ thiết bị nào được đối tác nước ngoài chào mời, các cơ quan của Bộ Quốc phòng sẽ đều hỏi: Các đơn vị trong nước có làm được sản phẩm này không? Viettel có làm được không?”, Đại úy Nguyễn Mạnh Linh tự hào.

Những chiếc máy thông tin quân sự đầu tiên do Viettel sản xuất và trang bị trong quân đội đã tạo niềm tin, sự khích lệ lớn lao, để từ đó lãnh đạo Bộ Quốc phòng chỉ đạo Viettel tiếp tục nghiên cứu phát triển thành công các sản phẩm CNC trong lĩnh vực quân sự, như: Hệ thống quản lý vùng trời, các hệ thống ra-đa, máy bay không người lái, hệ thống mô hình mô phỏng... Những thành quả đó đã hiện thực hóa, đã chứng minh tính đúng đắn của đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam có khả năng tự nghiên cứu, phát triển vũ khí, trang thiết bị với tinh thần tự lực, tự cường, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

  • 754
  • 0 bình luận
  • 2