Go Global
Viettel High Tech vươn ra thế giới
My Vũ Lv.1
Đặt VHT cạnh Huawei hay Ericson, Nokia, chúng ta gần như là con số 0. Vậy làm sao VHT cạnh tranh được nếu nhìn theo cách truyền thống?
Để hiểu hơn về con đường Go Global của VHT, Phòng Thương hiệu và Truyền thông xin giới thiệu tới các đồng chí góc nhìn của TGĐ Nguyễn Vũ Hà, được chia sẻ tại chương trình làm việc với CBNV tại TP. Hồ Chí Minh ngày 5/6/2024 vừa qua.

2-1

Tập đoàn Viettel “nơi khát vọng không bao giờ dừng lại”

Chúng ta đã có dịp nhìn lại chặng đường của Tập đoàn khi xem phim phóng sự tại Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập “Nơi Khát vọng không bao giờ dừng lại”, ở đó chúng ta đã thấy từ một công ty nhỏ bé với một dãy nhà cấp 4, một chiếc xe UAZ và 10 con người, đi làm thuê, xây lắp các công trình cột cao cho các công ty viễn thông và các đài truyền hình.

Viettel nay đã trở thành một tập đoàn kinh tế, công nghệ, công nghiệp quốc phòng quan trọng của đất nước, có thương hiệu viễn thông giá trị nhất Đông Nam Á. Khởi nguồn cho những thành công ấy đều đến từ việc phải làm, nhận làm và dám làm những việc rất khó, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ chiến lược do Đảng, Nhà nước, Quân đội giao cho.

Ngay từ lúc thi kéo cáp, dựng cột Viettel đã sẵn sàng nhận những công trình phức tạp về địa hình, khó khăn về kỹ thuật, thiếu thốn về tài chính, từ đó hoàn thành hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia như tháp truyền hình cao nhất Việt Nam, tuyến vi ba số đầu tiên dài nhất Việt Nam. Ngay sau đó, Viettel đã nghĩ đến việc trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực xây lắp viễn thông, nhận xây dựng đường trục cáp quang quân sự Bắc-Nam mang tên 1A chỉ từ hai sợi cáp thừa trên đường dây 500kV.  Một cơ hội nhỏ để đến gần với khát vọng làm viễn thông xuất hiện khi Viettel trở thành doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép kinh doanh dịch vụ điện thoại đường dài trong nước và quốc tế với tên gọi VoIP 178, và sau đó, chúng ta lại tiếp tục với bài toán tự xây dựng và kinh doanh mạng di động. Chỉ sau 2 năm kinh doanh di động, và ngay khi đó, Viettel chủ động chọn đầu tư nước ngoài. Và cùng với quá trình đầu tư ra nước ngoài, Viettel đã bắt đầu một việc khó khác, đó là dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất-một khát vọng được ấp ủ từ thuở hàn vi. Nói lại hành trình ấy để thấy rằng Tập đoàn chưa bao giờ dừng suy nghĩ về những mục tiêu trong tương lai. Và tinh thần ấy cũng luôn hiện hữu mạnh mẽ ở VHT.

TGĐ Nguyễn Vũ Hà chia sẻ: “Tập đoàn đang xu hướng chuyển sang Tập đoàn số,  tức là không thể dừng ở phạm vi địa lý mà là các nền tảng phủ toàn cầu. Việc go global, đi ra thế giới là bắt buộc”. Đó là bởi 2 lý do:

Thứ nhất, sản phẩm sẽ phải đạt chuẩn, xuất sắc ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu để có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với thế giới

Thứ hai, vươn ra thế giới, chúng ta tích hợp được rất nhiều tri thức của thế giới vào quá trình sản xuất của chúng ta.

Chủ tịch Tập đoàn đã uỷ quyền cho các đơn vị chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh quốc tế, báo cáo Tập đoàn. Mỗi doanh nghiệp, mỗi đơn vị trong Tập đoàn có một nhánh sản phẩm riêng, không thể có một công thức chung cho tất cả các đơn vị trong Tập đoàn.  Ngay trong tháng 6, VHT sẽ phải báo cáo tới lãnh đạo Tập đoàn Chiến lược kinh doanh thị trường quốc tế và hợp tác khoa học công nghệ quốc tế. Giai đoạn này, toàn bộ Tập đoàn chú trọng mở rộng thị trường, đặc biệt thị trường mang hàm lượng công nghệ cao.

3-1

Thách thức Go Global

Chia sẻ về tình hình cụ thể của VHT, TGĐ khẳng định, VHT đã rất nỗ lực xúc tiến hoạt động  kinh doanh quốc tế. VHT cũng là đơn vị tiên phong của Tập đoàn trong việc vươn ra thế giới.

Đi ra thế giới chắc chắn khó, TGĐ Nguyễn Vũ Hà nhận định.

Thứ nhất, VHT đang kinh doanh tốt ở thị trường Việt Nam song VHT vẫn còn khoảng cách với các doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Thứ hai, nguồn lực của VHT chưa phải là mạnh so với thế giới, VHT phải nỗ lực rất nhiều.

Đi ra thế giới, VHT phải cạnh tranh toàn cầu, điều đó tức là VHT phải cạnh tranh với tất cả những ông lớn của thế giới về công nghệ. Ví dụ như, Khối 3 làm camera sẽ đối mặt với Trung Quốc, làm IoT đối mặt với Microsoft,…

Thứ 3, VHT là doanh nghiệp Nhà nước nên có những đặc thù nhất định.

Đi ra thế giới chắc chắn khó, Tuy nhiên, Đảng uỷ, Ban TGĐ TCT xác định VHT phải vươn ra thế giới. Trực tiếp TGĐ TCT tham gia công tác kinh doanh, tham dự các hội chợ, triển lãm.

Theo lãnh đạo TCT,  chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm tại các triển lãm quốc tế. Song qua các lần xúc tiến thương mại quốc tế, VHT đã đạt được những thành công bước đầu. Bằng chứng là kể từ khi TCT công bố chiến lược Go global vào đầu năm 2023, tính đến nay, VHT đã có thị trường, khoảng 500 doanh nghiệp trên thế giới biết đến thương hiệu VHT, gần 20 doanh nghiệp quan tâm và hợp tác với VHT. VHT bắt đầu xuất khẩu được 1 số sản phẩm như: Hệ thống mô phỏng, máy thông tin, radar, doanh thu đem lại khảong 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Khối 2 xuất khẩu được 1 số hệ thống 5G Private tới Ấn Độ.

4

VHT hiểu lợi thế của mình để đi xa hơn

Để đạt những thành công bước đầu đó là rất khó. Việc Viettel làm chủ toàn bộ quá trình R&D, sản xuất thành công thiết bị 5G không phải ai cũng biết. Đặt VHT cạnh Huawei hay Ericson, Nokia, chúng ta gần như là con số 0. Vậy thì VHT phải chịu khó xâm nhập thị trường, có cách làm đột phá.

Ví dụ như, đối với 5G, thị trường có 5G Private và 5G phổ thông. Với lực lượng kỹ sư sáng tạo và khả năng tuỳ biến, VHT nhắm đến thị phần Private. Các kỹ sư VHT nhanh chóng giải quyết bài toán đặc thù cho từng doanh nghiệp, đó là lợi thế cạnh tranh với các hãng vendor lớn. Các vendor lớn thường triển khai hàng trăm triệu thuê bao nên sẽ không mặn mà với những đơn hàng chỉ vài trăm nghìn, hay vài triệu kết nối. Đó chính là cơ hội của VHT. OCS của Khối 2 cũng đã bán 1 triệu sub cho nhà mạng Reddi. VHT ý thức được mình bé, ắt phải nỗ lực hơn.

Giai đoạn này là giai đoạn VHT phải vô cùng nỗ lực, từ 0 lên đến 1 là một ngưỡng vô cùng khó, nhưng lên được 1 rồi sẽ lên được 2. Trong giai đoạn này, TCT sẽ phải tiếp tục triển khai rất nhiều đầu việc. Từng nhóm nghiên cứu sản phẩm, từng trung tâm phải đặt mục tiêu ra quốc tế.

Ví dụ, hiện nay, với Khối 1 như Trung tâm thông tin quân sự, toàn bộ nền tảng phát triển phần mềm làm trên tiêu chuẩn quốc tế về phần mềm SCA thay vì làm trên phần mềm truyền thống như ngày xưa. Đây là platform chuẩn thông tin thế giới, toàn bộ nền tảng wave form của từng nước tự làm, nếu chúng ta không làm trên chuẩn thế giới thì chúng ta không tích hợp được vào bên khác. Trong tác chiến điện tử cũng vậy. Như vậy là VHT chuyển dịch, chuyển dịch từ nên tảng nghiên cứu.

Rồi với Khối 2, OPEN RAN mở ra lợi thế cho BBU và RRU có thể độc lập với nhau tạo sự cạnh tranh, tích hợp được nhiều hãng và không phụ thuộc vào vendor như trước đây. Thị trường viễn thông về bản chất hiện có 4 vendor lớn trên thế giới là: Huawei, Zte, Ericson và Nokia. Hiệp hội ORAN được hình thành và VHT là thành viên ORAN. Hiện nay, hàng tuần Trung tâm Vô tuyến băng rộng và lãnh đạo Khối 2 vẫn tham gia hoạt động của hiệp hội. Đó cũng là cách VHT vươn ra quốc tế.

Nhân sự 5G của VHT có khoảng 120 người, cạnh tranh với 10 nghìn người của Huawei . Huawei đầu tư 5G cỡ 4 tỷ đô còn Viettel chưa đến 100 triệu đô. Ericson tồn tại gần 120 năm, Huawei tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc. Vậy làm sao cạnh tranh được nếu nhìn theo cách truyền thống?

TGĐ Nguyễn Vũ Hà khẳng định rằng, quốc tế là con đường bắt buộc phải đi, nhỏ có thế mạnh của nhỏ, nhỏ chúng ta phải đi nhanh hơn, chọn cách đi thông minh hơn, chúng ta phải nhắm vào phân khúc thị trường của chúng ta chứ không phải đi theo Ericson, Nokia. Chọn cách đi nhanh nhưng phải phù hợp, kết hợp với những người khổng lồ khác. Cụ thể như vừa qua, VHT đã ký hợp tác cùng Samsung về BBU và RRU.

Vươn ra quốc tế, VHT có lợi thế sở hữu từ công nghệ lõi, rồi platform cho đến sản phẩm có định hướng phát triển rõ ràng. VHT phải hiểu những lợi thế của mình để có thể đi xa hơn .

  • 244
  • 0 bình luận
  • 1
Trong 6 tháng cuối năm, Ban Tổng Giám đốc TCT VHT sẽ đẩy mạnh xúc tiến kinh doanh và...