1 tháng rà soát và xử lý dữ liệu. 1,5 tháng gia công, 2 tuần sơn và làm các vấn đề tem nhãn, bao bì sản phẩm, đóng thùng. Đây là khoảng thời gian mà tập thể phòng Thiết kế, Kiểu dáng và Đồ hoạ đã hoàn thành khối lượng công việc mà đáng lẽ ra cần đến 6 tháng triển khai.
Khác với lô mô hình trước đã từng sử dụng, 18 mô hình sản phẩm mới được chế tác bằng kim loại thay vì meka, kết hợp in 3D. Chế tác bằng kim loại, mô hình mới có khả năng chống chịu va đập tốt hơn phiên bản cũ.
Tuy nhiên, thay đổi chất liệu mô hình cũng đồng nghĩa với phương pháp gia công và cách thiết kế kết cấu khác nhau; do đó, cần chuẩn hoá dữ liệu của sản phẩm thật trong khi yêu cầu thời gian đặt ra quá gấp gáp. Trước bối cảnh này, Phòng thiết kế phối hợp cùng các kỹ sư Khối 1 và đối tác bóc tách từng thành phần sản phẩm thật, sau đó chia ra sản xuất.
Cách làm chung là vậy nhưng có những mô hình buộc các bạn Nguyễn Việt Hà, Lê Minh Quang, Phạm Huy Hoàng và anh em dưới Trung tâm như Lê Đức Dũng (TT Cơ khí), Lê Văn Lực (TT TCĐT) cùng ngồi vẽ lại bản vẽ 3D. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng mới của sản phẩm cũng đòi hỏi các thành viên Phòng Thiết kế phải cập nhật, chỉnh sửa một số chi tiết liên quan đến mô hình.
Chuyển sang giai đoạn triển khai sản xuất, phòng Thiết kế cắt cử nhân sự làm việc cùng đối tác tại xưởng gia công. Anh Nghiêm cho biết: “Phòng mình cần bám sát đối tác để đốc thúc họ làm đúng yêu cầu, tránh rủi ro vì đôi khi mình đưa ra ý tưởng nhưng không đạt được như mong muốn.
Nhiều hôm, 10h30 tối trong khu xưởng của đối tác tại Hà Đông, các anh chị em phòng Thiết kế cùng nhau thảo luận về nội thất khoang xe, chi tiết từng thành phần, bàn bạc cách làm nào đúng quy cách, sơn màu sao cho chuẩn bởi chỉ cần vênh nhau vài độ là màu sắc đã thay đổi. Không ít lần mô hình sơn xong, màu sơn không đều, chỗ dày, chỗ mỏng, phòng Thiết kế đốc thúc đối tác làm lại. Vì vậy mà Hà đã trực tiếp đến xưởng pha màu và sơn lại mô hình.
Điểm mới của các mô hình VHT còn nằm ở phần đa dạng thiết kế địa hình. Không rập khuôn, mỗi một mô hình sản phẩm mới đều được thiết kế địa hình khác nhau, phù hợp với môi trường tác chiến.
“Từng phần chân của mô hình được cân nhắc đặt vị trí nào sao cho khớp với địa hình thiết kế. Màu sắc của địa hình nhạt, đậm ra sao cũng được lên kế hoạch chi tiết”, anh Nghiêm cho biết.
Hoàn thiện trong thời gian gấp gáp nhưng từng chi tiết của khí tài thật thật đều được tái hiện chuẩn chỉ trên mô hình. Điều này dễ dàng nhận ra khi quan sát đài quang điện tử VEE-LRA, từng ốc vít được bố trí đầy đủ, phần kính của đài được thiết kế bằng vật liệu thể hiện rõ sự phản xạ. Hay như màn hình máy thông tin được thiết kế dưới hình thức in UV sao cho giống thật nhất, dây thông tin cũng là sử dụng loại dây dành cho sản phẩm thật, được cắt gọt đúng độ dày, tương đồng theo tỷ lệ.
Chia sẻ về tập thể của mình, anh Nghiêm bày tỏ rằng: “Với suy nghĩ đây là sản phẩm đại diện cho Viettel, cho VHT, đại diện nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam đến với thế giới; vì vậy, dù tiến độ gấp gáp, chúng tôi cũng phải đem chất lượng tốt nhất tới sản phẩm của mình. Đó cũng là "chất" người Viettel, văn hoá người Viettel ”.