Động thái này đi ngược lại với xu hướng cắt giảm đầu tư của các nhà sản xuất chip đối thủ trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm và nguồn cung dư thừa.
Tuần trước, hãng chip nhớ Micron Technology Inc cho hay, công ty sẽ điều chỉnh giảm các khoản đầu tư trong năm tài khoá 2023, xuống chỉ còn khoảng 7 đến 7,5 tỷ USD so với con số 12 tỷ USD của năm tài khoá 2022, đồng thời gợi mở về khả năng “cắt giảm đầu tư đáng kể” vào năm 2024.
Trong khi đó, TSMC, nhà đúc chip hợp đồng lớn nhất thế giới, vào tháng 10 cũng thông báo giảm ít nhất 10% ngân sách đầu tư hàng năm và bày tỏ thận trọng với nhu cầu thị trường sắp tới.
“Ngành công nghiệp bán dẫn suy thoái sẽ tạo thêm khó khăn cho các công ty chip đứng thứ 2 toàn ngành trở xuống, trong khi đó lại tạo ra tác động tích cực cho việc kiểm soát thị trường của những tên tuổi hàng đầu như Samsung”, Greg Roh, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Hyundai Motor Securitites nhận định.
Giới phân tích đánh giá sự kiên định của Samsung với các kế hoạch đầu tư gần như chắc chắn sẽ giúp gã khổng lồ Hàn Quốc mở rộng thị phần chip nhớ khi nhu cầu hồi phục.
Các nguồn tin địa phương cho biết, Samsung có kế hoạch mở rộng nhà máy P3 của hãng tại Pyeongtaek, Hàn Quốc với việc nâng công suất sản xuất tấm silicon (wafer) sử dụng trong các chip nhớ DRAM.
Cùng với đó là mở rộng xưởng đúc với quy trình 4 nanomet, vốn đang được sản xuất hợp đồng theo thiết kế của khách hàng.
P3 cũng chính là nhà máy bắt đầu sản xuất chip nhớ flash NAND tiên tiến trong năm nay, đồng thời là cơ sở sản xuất vi xử lý lớn nhất của đại gia Hàn Quốc.
Để đáp ứng các yêu cầu mở rộng, Samsung đang có kế hoạch bổ sung thêm ít nhất 10 máy siêu cực tím trong năm 2023.
Trước đó, vào tháng 10, đại diện tập đoàn này cũng cho biết, họ không tính tới phương án chủ động cắt giảm sản xuất vi xử lý, dù xu hướng giảm sản lượng toàn cầu đang diễn ra, để đáp ứng nhu cầu trung và dài hạn.
“Tập đoàn tiếp tục kiên định với các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu”, Han Jin-man, Phó Chủ tịch điều hành mảng kinh doanh bộ nhớ của Samsung nói.