Do có sự tương tác thời gian thực giữa nhiều hệ thống (thực-ảo, thực-thực, ảo-ảo) nên thiết kế của LVC được quy chuẩn theo các chuẩn phổ biến, trên đó, các công nghệ mô phỏng ứng dụng được tích hợp và triển khai công nghệ hiển thị Immersive Display, công nghệ mô hình hóa động lực học, công nghệ mô phỏng cảm giác chuyển động. Hiện nay, trên thế giới có một số các hãng đang đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu và ứng dụng mô phỏng LVC. Hai tập đoàn của Mỹ là CAE và Rockwell Collins hợp tác thử nghiệm hệ thống LVC gồm các thành phần chính: Một máy bay chiến đấu thật F/A-18; hệ thống mô phỏng (virtual); các lực lượng ảo (constructive): Hai máy bay trực thăng Apache, một máy bay chiến đấu MiG, một trận địa pháo phòng không và các thành phần khác như xe vận tải, lực lượng bộ binh… Tập đoàn Thales (Pháp) đã thực hiện hệ thống cho quân đội Pháp với diện tích 120km2, 180 tòa nhà, 3.000 phòng, 2.500 binh lính, 500 phương tiện.
Xu hướng công nghệ
Để phục vụ mô phỏng huấn luyện quân binh chủng hợp thành, đòi hỏi xây dựng và phát triển các công nghệ cốt lõi nhằm giải quyết các nút thắt của bài toán LVC. Trong đó, công nghệ tái tạo lực phản hồi điều khiển là công nghệ tạo ra phản hồi cho người dùng khi tương tác với các đối tượng trong thế giới mô phỏng, công nghệ này tạo ra sợi dây liên kết giữa thế giới thực và thế giới mô phỏng nhằm nâng cao độ chân thực và hiệu quả huấn luyện. Công nghệ tính toán và đồng bộ dữ liệu mô phỏng phân tán giải quyết bài toán khi nhiều hệ thống mô phỏng riêng biệt đồng bộ với nhau trong một kịch bản huấn luyện bảo đảm dữ liệu tính toán không bị mất, không bị trễ, không bị sai lệch giữa các hệ thống.
Công nghệ tái tạo mô hình số 3D của vật thể, khi chiến trường ngày càng lớn và càng nhiều đối tượng, việc dựng lại chiến trường thủ công sẽ là cản trở rất lớn, do đó, công nghệ này cho phép tái tạo nhanh chóng hình dạng vật thể bằng các đầu vào đơn giản như ảnh thường hoặc ảnh độ sâu, tăng tốc việc số hóa hình dạng các vật thể có trong chiến trường mô phỏng. Hay như công nghệ tự động sinh đối tượng ảo trên chiến trường, trên chiến trường, phục vụ huấn luyện cần có các lực lượng đối kháng, công nghệ này cho phép nhanh chóng tạo kịch bản cho các đối tượng ảo phù hợp với bài huấn luyện. Công nghệ tự động nhận dạng và tái tạo bản đồ 3D trên chiến trường, bản đồ hay địa hình là một yếu tố quan trọng trong huấn luyện, ngoài ra, địa hình cần đảm bảo chính xác để huấn luyện chân thực và có giá trị thực. Tuy nhiên, trong thực tế, việc dựng địa hình thủ công thường cần nhiều thời gian và khối lượng công việc lớn, công nghệ cho phép số hóa nhanh địa hình sử dụng các loại đầu vào đơn giản như không ảnh hoặc dữ liệu địa hình vệ tinh.
Một số hoạt động tiêu biểu
Gần đây, hãng ST Engineering (Singapore) đã giới thiệu hệ thống mô phỏng LVC với một số tính năng nổi bật: Cho phép lựa chọn linh hoạt quy mô huấn luyện; xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ 3D, các vũ khí khí tài huấn luyện, hiệu ứng chiến tranh; thiết kế phần mềm hiện đại tích hợp nhiều hệ thống mô phỏng. ST Engineering kỳ vọng xây dựng được giải pháp mô phỏng huấn luyện hiệu quả, tối ưu hóa các nguồn lực và giảm thiểu chi phí, song vẫn bảo đảm được độ chân thực và áp lực thật của huấn luyện.
Ở Việt Nam, các hệ thống mô phỏng do Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) phát triển và trang bị cho một số đơn vị đang ở thế hệ 3+. Khi đã phát triển thành công các công nghệ mô phỏng huấn luyện đơn chiếc, phân đội và tác chiến điện tử. Yếu tố công nghệ chính có hai sự khác biệt lớn là: Công nghệ về mô phỏng chuyển động đã hoàn thiện và được xây dựng dưới dạng module hoá, sẵn sàng triển khai khi nhận được yêu cầu chi tiết; xây dựng môi trường chiến đấu rộng lớn kết hợp với tái tạo cảm giác đắm chìm trong không giản ảo qua các hệ thống haptic và sinh hình ảnh siêu thực đem lại cảm giác hoàn toàn khác biệt.