Ở Viettel, Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị Vô tuyến Băng rộng (TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel – VHT) là đơn vị cấp trung tâm đầu tiên 2 lần vinh dự nhận danh hiệu Viettel Star. Một tập thể nghiên cứu khoa học của Viettel đã nỗ lực bằng tinh thần chiến binh quyết liệt để ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Ngày 01/03/2023, Viettel tạo tiếng vang lớn khi cùng với Qualcomm công bố nghiên cứu, sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open RAN.

Sự kiện được đánh giá là bước đột phá, mở ra cơ hội thay đổi ngành công nghiệp sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông do có khả năng giảm giá thành, xóa bỏ sự lệ thuộc vào chipset độc quyền của các nhà sản xuất thiết bị khác trên thế giới. Đây cũng là một trong 10 sự kiện khoa học công nghệ Việt Nam nổi bật của năm 2023.

Ngày 18/12/2023, VHT và Công ty QuadGen Wireless Solutions Pvt Ltd. (QuadGen) đã tổ chức chuyển giao Hệ thống 5G Private do Viettel nghiên cứu, chế tạo, cung cấp. Sự kiện đánh dấu lô hàng xuất khẩu đầu tiên của sản phẩm hệ sinh thái 5G của Viettel. Như vậy, trên thế giới hiện có 6 nhà cung cấp toàn bộ hệ thống 5G gồm Ericsson, Huawei, Samsung, ZTE, Nokia và Viettel.

Câu chuyện về hành trình chinh phục công nghệ hàng đầu thế giới được các “chiến binh khoa học” của VHT viết lên bằng ý chí “quyết tiến, không thể lùi”.

Năm 2014, Viettel bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo thiết bị viễn thông 4G. Đối với Việt Nam, đây là bước đột phá của ngành viễn thông, đánh dấu khát vọng làm chủ công nghệ thay vì chỉ khai thác như trước đây. Trên thế giới, công nghệ 4G khi đó đã ở “độ chín”, rất nhiều hãng sản xuất và triển khai trên toàn cầu. Người Viettel nhanh chóng có được đối tác sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tiêu chuẩn cũng như có đội chuyên gia thành thạo sẵn sàng tham gia.

Nhưng với 5G, câu chuyện hoàn toàn khác. Viettel khởi động chinh phục công nghệ 5G vào năm 2016 - sau khi đã làm chủ hoàn toàn 4G. Thời điểm đó, 5G là công nghệ của tương lai, mới chỉ có một số phác thảo sơ khai. Người Viettel không chỉ “đi cùng” mà là một cuộc đua với các hãng công nghệ hàng đầu thế giới để nghiên cứu và phát triển.

“Mọi thứ đều mới mẻ ngay cả với các đối tác  đã hợp tác với Viettel trước đây. Họ thực sự cũng đang tìm tòi, hoặc đòi chi phí rất lớn cho hợp tác phát triển công nghệ mới”, Hoàng Đinh Hải Truyền – Giám đốc Trung tâm Vô tuyến Băng rộng (VTBR), chia sẻ.

Trần Xuân Mạnh, kỹ sư xử lý tín hiệu cao tần tại TT VTBR, cho biết: “Lúc đầu, thực sự có những việc không biết làm như thế nào cả. Ví dụ cân chỉnh độ lệch pha cho búp sóng (beam forming), nghiên cứu khắp chỉ có tài liệu công bố “làm được” thôi, chứ “làm như thế nào” thì không ai chia sẻ. Anh em phải tự nghiên cứu, tìm hiểu”.

Riêng về mặt kỹ thuật, 5G được mô tả với các tính năng vượt trội so với 4G trước đó với tốc độ gấp 20 lần (từ 20Mbps lên 400Mbps), độ trễ giảm hàng chục lần. Khối lượng các công việc liên quan xử lý, tích hợp,… tăng lên gấp hàng trăm lần.

Để tận dụng cơ hội của người tiên phong với 5G, lãnh đạo Tập đoàn cũng đặt mục tiêu: phải thương mại hóa được sản phẩm. Tức là ngoài việc đáp ứng được các yêu cầu tính năng của khách hàng, sản phẩm cũng phải đáp ứng được toàn bộ các tiêu chuẩn kỹ thuật các thị trường nhắm tới (Việt Nam, Châu Âu, Mỹ,…) tương đương sản phẩm các hãng công nghệ lớn. Song song đảm bảo yêu cầu kỹ thuật là giữ được giá thành rẻ, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường.  

Với các sản phẩm 5G, Viettel đặt mục tiêu không chỉ triển khai ở Việt Nam mà còn tiến ra thế giới. Hiện tại, các sản phẩm 5G Viettel được xây dựng trên nền tảng chuẩn mở ORAN, có thể triển khai từng phần trên các hệ thống mạng khác trên thế giới. Cộng đồng chuẩn ORAN hiện tại đang phát triển mạnh mẽ, thậm chí có những quốc gia quy định về tỷ lệ ứng dụng chuẩn mở này trong viễn thông, đặc biệt ở Châu Âu và Mỹ. Đây là cơ hội để Viettel tham gia vào thị trường này.

“Mọi thứ đều thách thức, nhưng mục tiêu rất rõ ràng. Anh em chỉ còn một con đường quyết tiến lên làm bằng được thôi, không thể thất bại”, Giám đốc Trung tâm VTBR chia sẻ.

Về tương quan lực lượng, toàn bộ Trung tâm VTBR có 150 người – quá nhỏ so với lực lượng 5.000 – 10.000 nhân sự cho các bộ phận có chức năng tương đương ở các hãng nghiên cứu – chế tạo 5G. Lợi thế đặc biệt của Viettel so với các nhà phát triển khác là có mạng lưới để thử nghiệm. Sản phẩm được thiết kế tốt hay không, chỉ cần thử nghiệm trên mạng lưới là biết ngay, không thể “thoát” được.

Với lợi thế đó nhưng kỳ vọng sẽ có sản phẩm cùng tiêu chuẩn với các hãng lớn với giá thành rẻ hơn, Viettel không thể đi theo lối đã có. Người Viettel bắt buộc mà phải làm nhiều hơn, nhanh hơn theo cách riêng của mình.

“Các hãng trên thế giới thường chỉ chọn 1 nền tảng để phát triển. Nhưng riêng Viettel đang chọn cả 3 nền tảng lớn nhất để phát triển song song: Qualcomm, Intel, NXP. Mặc dù biết là khối lượng công việc sẽ nặng hơn, nhưng anh em đều xác định cơ hội nằm trong đó. Mỗi nền tảng đều có các ưu nhược điểm khác nhau. Khi đã có cả 3 nền tảng, trong tay chúng ta sẽ có công cụ để tùy biến sản phẩm, khi ra thị trường sẽ linh hoạt hơn trong đáp ứng được yêu cầu đặc thù”, anh Truyền cho biết.

“Ở trung tâm, điều mình tâm đắc nhất chính là con người. Hầu hết đội ngũ kỹ sư đều rất trẻ, giàu nhiệt huyết và khát vọng chiến đấu cho một công việc có ý nghĩa. Đặc biệt anh chị em đều rất sáng tạo – gồm cả các anh chị đi trước hay thế hệ hiện tại”, Giám đốc TT VTBR chia sẻ.

Để đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu, các nhóm nhỏ được tổ chức và giao quyền chủ động toàn trình. Từng khâu có thể phát triển, kiểm tra và thậm chí triển khai ngoài mạng lưới. Mỗi người kỹ sư nghiên cứu 5G có khả năng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Như kỹ sư phần mềm cũng có thể triển khai ngoài mạng lưới, thậm chí bê vác. Làm tất cả mọi việc miễn làm sao đạt được tiến độ của dự án.

“Lúc thấy vấn đề về beam forming (búp sóng) bị bế tắc sau hơn 1 năm nghiên cứu. Khi đó các vấn đề cần phải làm đã xác định được rồi, nhưng khi triển khai thì không thành công. Đây là tính năng trọng điểm của sản phẩm. Mình chủ động đề xuất với Giám đốc cho phép được nhận giải vấn đề này, điều chỉnh lại thiết kế, xây dựng kế hoạch tiến độ để thực thi. Kết quả sau đó vấn đề được giải, tốc độ kết nối được đảm bảo đúng theo mục tiêu yêu cầu”, Đặng Hoài Sơn, kỹ sư xử lý tín hiệu băng gốc, chia sẻ.

Tiêu chuẩn kỹ thuật khi sản xuất đã có hệ thống của Quốc gia và quốc tế. Các sản phẩm của Ericsson hay Huawei cũng đều phải tuân theo các chỉ tiêu đó. Bản thân các sản phẩm 5G của VHT cũng tuân theo các bộ tiêu chuẩn của Châu Âu, Mỹ. Bởi nếu mình muốn xuất khẩu vào thị trường đó, bên cạnh việc đảm bảo các tính năng khách hàng yêu cầu, bắt buộc mình phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đó (về an toàn, phát xạ,…). Nếu không có các chứng chỉ đó thì không thể xuất khẩu được.

Cứ như vậy, hơn 100 con người của TT VTBR lao vào cuộc chinh phục mới. Lãnh đạo VHT trực tiếp họp giao ban kỹ thuật với Trung tâm hàng tuần để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc. Trong quá trình triển khai, nhóm dự án cũng phải tranh thủ mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài Viettel, cả đối tác nghiên cứu, chế tạo, gia công,… để có thể kịp tiến độ.

Chia sẻ về mức độ khẩn trương trong quá trình triển khai, anh Truyền cho biết tiến độ được căn ke đến từng giờ, từng phút. Chiếc bo mạch trạm thu phát sóng 5G trên nền tảng chipset Asic của Qualcomm theo chuẩn OpenRAN cũng đến tay của Truyền lúc 4h chiều – vài tiếng trước khi lên máy bay đi Barcelona (Tây Ban Nha) để ra mắt thế giới tại Hội nghị Di động Thế giới (MWC) 2023. Toàn bộ các khâu theo thông thường sẽ mất từ 3 – 6 tháng, nhưng đội kỹ sư VHT hoàn thành chỉ trong vài tuần.

“Tất cả đều làm chính xác đến từng giờ, vì nếu chỉ chậm 1 – 2 ngày là lỡ sự kiện” – Truyền nhấn mạnh.

“Càng làm việc, mình càng tự hào về các lãnh đạo và anh em đồng nghiệp. Và tâm đắc với các giá trị cốt lõi của Viettel”, Giám đốc TT VTBR chia sẻ. Theo anh, 8 giá trị cốt lõi đó thực sự “thấm” khi vào việc cụ thể, giúp giải quyết được rất nhiều thách thức.

Ví dụ trong câu chuyện nghiên cứu – chế tạo 5G, giá trị đầu tiên là “thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh”. Mình phải rất linh hoạt, tìm kiếm các loại giải pháp khác nhau. Nếu cứ bám theo một quan điểm cũ thì chắc chắn không thể làm được.

Chúng ta cũng xác định làm sản phẩm 5G không phải chỉ để trình diễn công nghệ, mà mục tiêu là phải thương mại hóa được, tự tin cạnh tranh được. Sản phẩm được triển khai trên mạng lưới, nên tính năng, yêu cầu bắt buộc tương đương với các sản phẩm từ các hãng công nghệ lớn trên thế giới. Lúc đó chúng ta thấy được vai trò của tư duy hệ thống, sự sáng tạo trong công tác nghiên cứu.

Bộ tiêu chuẩn khai thác của VTNET vô cùng khắt khe, khi triển khai đội kỹ sư của VHT và VTNET cũng có nhiều cuộc tranh luận nảy lửa. Nhưng từ các cuộc đó sản phẩm được tối ưu rất nhiều. Chỉ có thực tiễn – trải nghiệm của khách hàng – là tiêu chuẩn để kiểm nghiệm những lý thuyết, thiết kế khẳng định sản phẩm của chúng ta có tốt hay không.

Ngay cả khi chúng ta đã tính toán hết các phương án, thống nhất được cách làm thì giá trị “Truyền thống và cách làm của người lính” giúp chúng ta làm đến cùng, làm ngày đêm để đạt được mục tiêu.

Chính văn hóa Viettel và “cách làm của người lính” là động lực để những chuyên gia, kỹ sư TT VTBR từ ngày đêm trong phòng lab và ngoài thực địa để hoàn thiện sản phẩm.

Trong báo cáo nghiệm thu sản phẩm trạm phát sóng 5G 8T8R, Chủ tịch – TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng khẳng định: Nếu làm tốt, VHT có thể triển khai ít nhất là 30% mạng 5G của Viettel.

“Làm tốt” ở đây được hiểu là: sản phẩm hoàn thiện về tính năng, đảm bảo chất lượng và cạnh tranh về giá cả. Sản phẩm có thể tham gia đấu thầu và cạnh tranh sòng phải với các nhà thầu khác như Ericsson, Huawei,… để đưa vào mạng lưới Viettel phục vụ khách hàng.

Đó là sự khẳng định cho niềm tin vào những chiến binh trên mặt trận nghiên cứu khoa học của VHT. Niềm tin đó cũng khẳng định tương lai tiên phong của Viettel trong lĩnh vực 5G nói riêng và viễn thông nói chung tại Việt Nam và trên thế giới.

My Vũ

20.03.2024